TS.Nguyễn Trí Hiếu: Mỹ cần gói cứu trợ lớn hơn 2.200 tỷ USD
Ngày 27/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký gói cứu trợ kinh tế kỷ lục 2.200 tỷ USD trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nước này với số ca nhiễm bệnh vượt 100.000.
Gói cứu trợ nói trên của Mỹ cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp tới người dân dưới dạng séc ngân hàng với số tiền dựa vào thu nhập. Theo đó, các cá nhân có thu nhập 75.000 USD trở xuống sẽ nhận trực tiếp 1.200 USD mỗi người. Các hộ gia đình hai người lớn với thu nhập lên tới 150.000 USD sẽ nhận được 2.400 USD. Các gia đình cũng sẽ nhận thêm 500 USD cho mỗi trẻ nhỏ.
Khoản trợ cấp giảm dần đối với những người có thu nhập cao. Cá nhân có thu nhập từ 99.000 USD hoặc cặp vợ chồng có thu nhập từ 198.000 USD trở lên mà không có trẻ nhỏ sẽ không được được nhận hỗ trợ dưới dạng tiền mặt.
Thêm vào đó, gói cứu trợ cũng cung cấp hàng tỷ USD cho các bệnh viện đang vật lộn đối phó với đại dịch COVID-19, cũng như các bang và chính quyền địa phương thiếu tiền mặt để chi tiêu phục vụ công tác chống dịch.
Đánh giá về tác động của gói cứu trợ này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng việc Mỹ đưa ra gói cứu trợ vào thời điểm này là rất cần thiết.
“Hiện kinh tế Mỹ đang đi vào suy thoái, mặc dù theo theo lý thuyết, tăng trưởng GDP âm 2 quý mới được xem là nền kinh tế đi vào suy thoái. Nhưng với mức độ tác động của dịch COVID-19 tới toàn cầu và Mỹ với nhiều doanh nghiệp đóng cửa, giảm năng lực hoạt động, dừng sản xuất kinh doanh, rõ ràng nền kinh tế Mỹ và nhiều nước trên thế giới đang rơi vào suy thoái”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, về quy mô gói cứu trợ, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng 2.200 tỷ USD vẫn nhỏ so với quy mô thiệt hại kinh tế Mỹ, do con số này chỉ tương đương 10% GDP nước Mỹ, trong khi nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng âm trong năm 2020, dù GDP quý 1/2020 vẫn tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Việc trao tiền mặt cho các gia đình mang tính chất kích cầu, nhất là khi người dân hạn chế chi tiêu trong mùa dịch, bởi vì 70% GDP của Mỹ dựa vào tiêu dùng.” - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh rằng, gói cứu trợ nói trên của Mỹ chỉ mang tính chất tạm thời, bởi hiện chưa thể nắm rõ diễn biến, thời điểm dịch đạt đỉnh. “Có những dự đoán cho rằng tháng 7-8 tới mới là đỉnh dịch, như vậy trong khoảng 4-5 tháng nữa, nền kinh tế Mỹ sẽ lao vào một đợt khủng hoảng lớn. Vì vậy, gói cứu trợ 2.200 tỷ USD là cần thiết, tuy nhiên có thể chưa thấm vào đâu. Gói cứu trợ của Mỹ có thể phải lên đến 8.000-10.000 tỷ USD mới có thể chống đỡ được tác động của dịch bệnh này.” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ
07:00, 21/08/2019
Bầu cử giữa kỳ và những ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ
04:20, 01/11/2018
[eMagazine] Kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump
12:01, 21/09/2018
Vì đâu Mỹ đứng đầu thế giới về số lượng ca nhiễm COVID-19?
11:08, 27/03/2020
Vì sao FED tiếp tục bất ngờ giảm mạnh lãi suất?
15:04, 16/03/2020
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, gói cứu trợ 2.200 tỷ USD, cùng chính sách nới lỏng định lượng (QE) của FED với bản chất là mua vào trái phiếu chính phủ để bơm tiền vào nền kinh tế, sẽ khiến áp lực lạm phát tăng lên mạnh mẽ. Ngoài ra, điều này có thể sẽ làm gia tăng đáng kể nợ liên bang của Mỹ, không ngoại trừ khả năng khủng hoảng nợ nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và Mỹ tiếp tục tung tiền giải cứu nền kinh tế.
Dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu đợt này chưa thể xảy ra, nhưng nếu xảy ra khủng hoảng nợ công có thể làm tê liệt khả năng trả nợ và điều hành quốc gia của nhiều chính phủ, trong đó có Mỹ.