Rộng dư địa giảm lãi vay
Mặt bằng lãi suất đã giảm sau quyết định giảm các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động – cho vay ngắn hạn của NHNN.
Các chuyên gia kỳ vọng, mặt bằng lãi suất sẽ giảm sâu hơn trong bối cảnh cung vốn dồi dào, song nhu cầu vốn đang rất yếu.
Đua giảm lãi suất
Mặc dù mức cắt giảm trần lãi suất huy động vừa qua của NHNN là không lớn, tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, nhưng theo các chuyên gia, quyết định này củng cố quyết tâm của các nhà băng trong việc giảm lãi suất huy động trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng dư thừa, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh.
Quả vậy, ngay sau quyết định nói trên của NHNN, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng về cao nhất chỉ là 4,75%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dài hơn cũng được điều chỉnh giảm 20-30 điểm phần trăm ở nhiều ngân hàng.
Lãi suất huy động giảm kéo lãi suất cho vay cũng giảm theo. Không chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 5,5%/năm theo đúng chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng còn ồ ạt tung ra các gói tín dụng có quy mô hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1-2% để hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch. Đơn cử MB đang triển khai gói tín dụng có quy mô lên tới 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hay như Sacombank cũng dành 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1-2% để hỗ trợ doanh nghiệp. Thậm chí ACB cam kết sẽ triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch…
Kỳ vọng sẽ giảm thêm
Dù không có chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng cũng không dám tăng lãi suất, thậm chí còn cố gắng kéo giảm mặt bằng lãi vay sâu hơn để kích thích nhu cầu tín dụng trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp hiện đang rất yếu.
“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp rất thận trọng với quyết định vay mới. Thời điểm này, các doanh nghiệp chủ yếu đánh giá tình hình kinh doanh để đề xuất với các ngân hàng cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với dư nợ hiện tại”, bà Phạm Thị Trung Hà – Phó tổng giám đốc MB cho biết.
Có thể bạn quan tâm
[COVID-19] Chuyên gia phân tích động thái cắt giảm lãi suất điều hành hỗ trợ doanh nghiệp
05:10, 19/03/2020
[COVID-19] Nhiều ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất huy động và cho vay
16:00, 17/03/2020
[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Cơ cấu nợ, giảm lãi vay- Giải bớt nỗi lo mùa dịch
05:30, 14/03/2020
Giãn nợ, miễn giảm lãi vay cho doanh nghiệp gặp khó vì dịch COVID-19
20:00, 24/02/2020
Lan tỏa giảm lãi vay ngắn hạn
11:08, 29/11/2019
Trong khi đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, một phần nhờ quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN, tiền gửi tăng cao hơn tín dụng, một phần cũng bởi lượng tiền mà NHNN đã tung ra để mua vào ngoại tệ.
“Lãi suất là giá của đồng vốn, cũng phải tuân theo quy luật thị trường, quy luật cung – cầu. Trong bối cảnh cung vốn dồi dào mà cầu vốn yếu như hiện nay, lãi suất cho vay tất yếu sẽ giảm thêm”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.
Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia trăn trở nhất hiện nay là khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp đang rất yếu. Trong bối cảnh sản xuất, xuất khẩu gặp khó khăn vì dịch bệnh, thì hầu hết các doanh nghiệp đều rất ngần ngại vay vốn cho dù lãi vay tiếp tục giảm. Do đó, các ngân hàng cần nghiên cứu tung ra gói tín dụng ưu đãi hậu mùa dịch để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.