Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) cho hay đã và đang triển khai hạ lãi suất cho vay ngắn hạn theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
NHNN vừa quyết định số 2416/2019/QĐ-NHNN giảm 0,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 6%/năm từ ngày 19/11 vừa qua.
Ráo riết hạ lãi vay
Ngay sau quyết định nói trên của NHNN, một loạt các ngân hàng, dẫn đầu là 4 ông lớn nghiêm chỉnh thực thi. Đáng chú ý, đi trước quyết định này của NHNN, Vietcombank đã giảm tiếp 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019.
Ngoài Vietcombank và các ngân hàng quốc doanh lớn, các NHTMCP cũng ráo riết công bố hạ lãi suất cho vay. Trong đó, MSB có chương trình giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 2% cho doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh, giảm 3,6% lãi suất cho vay phục vụ chăn nuôi, sản xuất trong nông nghiệp. Trước đó, HDBank đã dành tới 10.000 tỷ đồng tín dụng xanh với lãi suất giảm 2,5% so với lãi vay thông thường, dành cho các khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh…
Tổng giám đốc một NHTMCP cách đây không lâu từng chia sẻ Ngân hàng chưa thể lập tức hạ lãi suất vay do chi phí vốn còn cao, nhưng trong đợt hạ lãi vay gần như đồng loạt hiện nay, Ngân hàng cũng giảm trên biểu lãi suất cho vay công khai. “Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo việc hạ lãi suất cho vay, một mặt vừa tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách thực chất, mặt khác vẫn không bị sụt giảm lợi nhuận của ngân hàng”, vị Tổng giám đốc này cho biết.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 20/11/2019
11:00, 15/11/2019
11:01, 07/10/2019
10:39, 19/09/2019
Các ngân hàng thương mại có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay ngắn hạn sau quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn của NHNN. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trung-dài hạn sẽ khó giảm.
Trên thực tế, dư địa giảm lãi suất cho vay ngắn hạn là khá lớn khi mà báo cáo tài chính 9 tháng của phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận hết sức khả quan, trong đó nguồn thu chủ yếu vẫn là hoạt động tín dụng. “Không ít ngân hàng lãi tới cả nghìn tỷ đồng, thậm chí là chục nghìn tỷ đồng, tăng 30 - 40% so với năm trước, trong khi tín dụng chỉ tăng có hơn chục phần trăm. Điều đó cho thấy tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng được cải thiện tích cực. Đó chính là một tiền đề cho việc giảm lãi suất cho vay”, một chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, để làn sóng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn lan tỏa rộng rãi hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng, điều kiện tiên quyết là mặt bằng lãi suất huy động ngắn hạn cần giảm mạnh hơn nữa. Bởi lãi suất huy động đã giảm, nhưng mức giảm không đáng kể, hoặc mới giảm tập trung cho những kỳ hạn mà ngân hàng muốn hạn chế huy động.
Ngoài ra, ông Quản Trọng Thành – Trưởng phòng Nghiên cứu Khách hàng Tổ chức của Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng Việt Nam cho biết, dựa trên diễn biến thực tế, các quy định hiện hành có vẻ như “dễ thở” hơn trước. Theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, từ tháng 1 đến hết tháng 9 năm 2020, tỷ lệ vốn ngắn hạn được dùng cho vay trung và dài hạn là 40%. Từ tháng 10/2020 đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ này còn là 37%; Từ tháng 10/2021 đến hết tháng 9/2022 là 34% và từ tháng 10/2022 là 30%. Như vậy, các ngân hàng cũng không chịu áp lực quá lớn trong việc thực hiện yêu cầu siết vốn vay trung và dài hạn. Ngoài ra, Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định tổng cho vay tín dụng trên tổng huy động (LDR) cho tất cả các ngân hàng là 85%, thay vì phân bổ 90% cho các NHTM Nhà nước và 80% cho các NHTM tư nhân. Theo đó, các NHTM tư nhân sẽ có thêm nguồn vốn ngắn hạn để cho vay với lãi suất ưu đãi hơn.