Tận dụng dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ như thế nào?
So với nhiều quốc gia khác, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam được cho là vẫn còn cho kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để làm rõ hơn nội dung liên quan đến dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam, phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng.
- Thưa ông, ông đánh giá ra sao về dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam hiện nay?
Theo tôi, trước hết cần hiểu thuật ngữ dư địa như thế nào? Nếu dư địa là tất cả những gì có thể sử dụng được để điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ thì vô cùng. Theo đó, chúng ta có thể tiếp tục giảm thuế, miễn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh. Với chính sách tiền tệ, chúng ta có thể tiếp tục giảm lãi suất, bơm thêm một lượng tiền vào trong lưu thông.
Tuy nhiên, nếu hiểu dư địa theo nghĩa hẹp dựa trên thực trạng nền kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thì Việt Nam không còn quá nhiều dư địa, vì những lý do sau đây.
Thứ nhất, về chính sách tài khóa, nguồn thu ngân sách càng ngày càng hạn hẹp; doanh thu của nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh trong đợt dịch vừa rồi và trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm sâu. Trong khi đó, chi phí càng ngày càng lớn, đặc biệt cho các gói cứu trợ, an sinh xã hội... Do đó, dư địa cho tài khóa không còn nhiều.
Thứ hai, về chính sách tiền tệ, dư địa giảm lãi suất sâu nữa cũng không còn nhiều. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống, thì trước tiên cần phải giảm lãi suất huy động (LSHĐ), mà giảm LSHĐ thấp hơn cả lạm phát thì người dân sẽ rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Do vậy, theo tôi, dư địa mà Chính phủ đang đề cập tới nên được hiểu như thế nào?
- Trong trường hợp hiểu dư địa tài khóa và tiền tệ theo nghĩa hẹp, theo ông nên khai thác dư địa này ra saođể kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế?
Hiện có hai cấu phần trong chính sách tài khóa là thu và chi. Về vấn đề chi, ngoài chi phí thường xuyên của Chính phủ phải kể đến phần chi cho an sinh xã hội, đây là khoản chi rất lớn trong thời điểm dịch bệnh diễn ra để hỗ trợ người thất nghiệp, trang trải chi phí y tế... Do vậy, cần phải xem xét lại các chí phí đó, bên cạnh các chi phí thường xuyên của Chính phủ.
Về vấn đề nguồn thu, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn thu ngân sách cũng giảm mạnh khi doanh nghiệp kinh doanh khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Trong bối cảnh nguồn thu giảm mà chi tăng lên, thì chỉ có cách gia tăng nợ công. Tuy nhiên, nợ công của Việt Nam trên GDP có giảm, nhưng con số thực tế lại đang ngày càng tăng. Do đó, việc khai thác dư địa tài khóa cũng không hề dễ dàng.
Trong khi đó, việc khai thác dư địa tiền tệ cũng cần cẩn trọng trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng lên. Cụ thể bình quân 6 tháng đầu năm 2020, CPI vẫn tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
- Vậy theo ông, lãi vay cần được điều chỉnh giảm như thế nào để vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp sớm phục hồi hậu dịch, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô?
Lãi suất huy động phải cao hơn tỷ lệ lạm phát khoảng 2%, ví dụ tỷ lệ lạm phát năm nay là 4% thì LSHĐ sẽ ở mức 6%/năm. Theo đó, lãi suất cho vay là 9%/năm.
Nếu muốn tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thì phải giảm lạm phát xuống. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.
Vấn đề hiện nay là khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế rất yếu. Dù có giảm lãi vay, thì cũng khó kích thích tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, giải pháp tốt nhất hiện nay là Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư công.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm