NHIỀU VƯỚNG MẮC XỬ LÝ NỢ XẤU NGÂN HÀNG: “Tiền lệ” Sacombank

LÊ MỸ 30/07/2020 15:30

Từ chỗ một ngân hàng TMCP bề thế thành ngân hàng bộc lộ nợ xấu khổng lồ và bắt buộc phải tái cơ cấu, Sacombank ngày nay đã trở thành “tiền lệ” điển hình về nỗ lực giải trừ nợ xấu nhà băng.

LTS: Thủ tướng Chính phủ khẳng định: COVID - 19 chính là “phép thử lớn nhất” trong tiến trình xử lý nợ xấu bởi hệ thống tín dụng không chỉ trụ vững mà phải tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi, ổn định kinh tế, góp phần vào tăng trưởng dương của Việt Nam.

p/Sự linh hoạt trong xử lý nợ xấu giúp Sacombank đạt được mục tiêu làm nhẹ bảng cân đối tài sản, giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu nội bảng

Sự linh hoạt trong xử lý nợ xấu giúp Sacombank đạt được mục tiêu làm nhẹ bảng cân đối tài sản, giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu nội bảng

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE; STB) tại cuối 30/6/2020 có tổng tài sản 481.898 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2 quý đạt 1.428 tỷ đồng, Nợ xấu nội bảng tại ngày 30/6/2020 của Sacombank là 6.682 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,15% chưa bao gồm nợ trái phiếu VAMC.

Do khoản mục nợ trái phiếu VAMC không được trình bày cụ thể nên hiện tại chưa thể xác định Sacombank còn bao nhiêu lượng trái phiếu VAMC đang nắm giữ. Nếu khoản này để trong mục Chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, thì Sacombank là hơn 33.000 tỷ đồng trái phiếu VMAC cần xử lý.

Tuy vậy, so với một Sacombank của hơn 3 năm trước khi ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam về tiếp quản, ngân hàng này đã đạt được nhiều thành tựu xử lý nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ từ chỗ hơn 6,8% chưa gồm trái phiếu nợ, về mức thấp dưới 3%.

Trước hết, nợ xấu của Sacombank, phần lớn có các tài sản đảm bảo là bất động sản. Đây là một lợi thế lớn của ngân hàng vì đó vừa là tài sản có giá, vừa là mảng “quen tay” của đương kim của Chủ tịch HĐQT và các nhà điều hành gắn bó cùng ông. Từ đó mà Sacombank rất nhanh nhạy trong thực hiện rao bán nợ, đấu giá xử lý nợ xấu.

Họ không hề ngại rao bán nợ công khai và rao đi bán lại nhiều lần. Đây là ưu điểm của Sacombank phù hợp cơ chế thị trường cần sự cởi mở trong tiếp nhận mua bán nợ, và rất phù hợp môi trường kinh doanh đa vùng miền đặc biệt phía Nam. Cũng là điều kiện để đông đảo người mua được tiếp cận, tham gia trả giá tài sản nhanh, gọn, lẹ.

Trong nhiều trường rao bán tài sản chưa bán được ngay, Sacombank sẵn sàng “đại hạ giá”. Đây cũng là sự nhanh lẹ, quyết đoán và thích ứng thị trường của Sacombank – khác hẳn với trường hợp của những cú đấu giá thoái vốn cổ phần Nhà nước mà giá định khởi điểm “trên trời”, mặc thị trường tiếp nhận giá “dưới đất”. Trường hợp này của Sacombank cũng phải nói thêm, về sau đã được áp dụng tại BIDV trong những dự án rao bán nợ lớn ở địa bàn TP HCM và đang được giới đầu tư khá quan tâm.

Sacombank chấp nhận các giao dịch mua nợ thanh toán trả chậm nhiều năm đi cùng phí trả chậm cho những dự án đặc thù. Sự linh hoạt cần thiết này giúp Sacombank một mặt đạt được mục tiêu làm nhẹ bảng cân đối tài sản, giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu nội bảng; Mặt khác, có dòng tiền thu lại từ xử lý nợ đều đặn kèm phí tương ứng trong thời gian tái cơ cấu. Đồng thời, phù hợp thu hút khách hàng có điều kiện đầu tư và dòng tiền phát sinh trên tài sản đảm bảo trả nợ. Nói cách khác, đây là cách “nuôi nợ” hậu xử lý nợ xấu thông minh trong bối cảnh không phải tài sản nợ có giá nào cũng dễ dàng bán được.

Vừa xử nợ xấy, vừa xốc lại hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh nền tảng và hệ thống để tăng hiệu quả kinh doanh, qua đó có nguồn lực nuôi ngân hàng, khấu hao nợ, giữ cán bộ nhân viên, khách hàng và thị trường. Ngay khi bắt tay tái cơ cấu, ông Dương Công Minh đã chủ trương thành lập Công ty Tài chính, Cho thuê Tài chính, Bảo hiểm nhân thọ, Phi nhân thọ… Đến ngày hôm nay đều cho thấy ông không hề là “tay mơ” với việc nắm bắt dự báo xu hướng thị trường tài chính ngân hàng. Một Sacombank ngay khi rũ sạch nợ xấu, có điều kiện tăng tốc bán chéo với các sản phẩm “hot” như Bancasurrance là điều đã được cựu banker của LienVietPost Bank nhìn thấy trước.

Lẽ dĩ nhiên, Sacombank đến hiện tại vẫn chưa thể rũ nợ và vẫn đang trong lộ trình xử nợ xấu cũ, giảm nợ xấu mới. Bài toán cơ cấu lại của ngân hàng vẫn cần thời gian để về đích.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần tiếp tục gỡ vướng xử lý nợ xấu

    Cần tiếp tục gỡ vướng xử lý nợ xấu

    05:20, 22/10/2019

  • Xử lý nợ xấu vẫn chưa thật thông suốt

    Xử lý nợ xấu vẫn chưa thật thông suốt

    10:25, 24/05/2019

  • NHNN sẽ giám sát chặt chẽ xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các TCTD

    NHNN sẽ giám sát chặt chẽ xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các TCTD

    13:25, 01/04/2019

  • Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2018- 2020: Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu

    Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2018- 2020: Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu

    11:30, 21/03/2019

LÊ MỸ