Tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ ở mức nào?
VNDIRECT dự báo, đại dịch COVID sẽ được kiềm chế vào cuối quý 3/2020, do đó tăng trưởng tín dụng sẽ tích cực hơn trong những tháng cuối năm nay.
Tăng trưởng tín dụng phục hồi cuối năm
Theo VNDIRECT, khả năng đại dịch COVID-19 được kiềm chế vào cuối quý 3/2020 sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong quý 4/2020 và năm 2021. Tuy nhiên, Công ty này đã hạ dự phóng tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 từ 11% xuống 9% nhằm phản ánh tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 thấp hơn dự kiến khi chỉ đạt 3,65%. Ngoài ra, VNDIRECT cũng dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt 13-14% nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công.
VNDIRECT cho rằng, hoạt động tín dụng sẽ được thúc đẩy bởi các yếu tố: Tác động của đợt bùng phát COVID-19 thứ hai ít nghiêm trọng hơn đợt đầu tiên. Hơn nữa, vaccine ngừa COVID-19 đang được thử nghiệm ở các quốc gia khác, nếu thành công, sẽ cho phép các Chính phủ tự tin mở lại biên giới, thúc đẩy hoạt động sản xuất và kinh doanh, cải thiện hoạt động thương mại và sản xuất, thúc đẩy các ngành dịch vụ, như du lịch...
Bên cạnh đó, việc cắt giảm lãi suất điều hành giúp các ngân hàng giảm áp lực về chi phí vốn, từ đó giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy các doanh nghiệp vay mới phục vụ việc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, việc thúc đẩy đầu tư công sẽ tạo ra việc làm, gián tiếp thúc đẩy nhu cầu tín dụng. VNDIRECT cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công trong năm 2021 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo khảo sát mới nhất của NHNN, nhu cầu tín dụng cũng sẽ cải thiện đáng kể trong nửa cuối năm nay, nhờ một số biện pháp chủ động của Chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế. Thống kê cũng cho thấy xuất khẩu, bán lẻ và dệt may sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng.
NIM có xu hướng giảm
Theo VNDIRECT, các ngân hàng tiếp tục ghi nhuận lợi suất tài sản giảm do ảnh hưởng của việc cắt giảm lãi suất gần đây. Trung bình lợi suất tài sản 6 tháng đầu năm 2020 của các ngân hàng có vốn Nhà nước giảm 21 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi suất tài sản bình quân trong 6 tháng đầu năm 2020 của các ngân hàng cổ phần tư nhân chỉ tăng 8 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái.
Xem xét từng ngân hàng riêng lẻ, VNDIRECT cho rằng các ngân hàng có lợi thế về chi phí vốn do có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) cao hoặc các ngân hàng có dư địa để thâm nhập vào mảng cho vay bán lẻ, đã duy trì hoặc cải thiện thu nhập lãi cận biên (NIM) trong 6 tháng đầu năm 2020. Cụ thể, HDBank, Techcombank, TPBank có NIM tăng lần lượt là 83, 46, 26 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái; còn MBB duy trì NIM ổn định trong 6 tháng đầu năm 2020.
Mặc dù NIM của một số ngân hàng cải thiện trong 6 tháng đầu năm 2020, nhưng nhìn chung NIM của các ngân hàng vẫn có xu hướng giảm trong năm 2020. Bởi vì các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới để thúc đẩy cho vay, trong khi việc cắt giảm lãi suất điều hành chưa phản ánh ngay vào chi phí huy động vốn của các ngân hàng do có độ trễ về thời gian.
Bên cạnh đó, việc giảm thu nhập lãi từ các khoản vay được cơ cấu lại và việc giảm/miễn trả lãi đã gây áp lực lên thu nhập lãi, ảnh hưởng đến lợi suất tài sản của các ngân hàng.
Cũng theo VNDIRECT, nếu đại dịch sẽ được kiểm soát vào cuối quý 3/2020, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại, thì các ngân hàng sẽ có thể thu lại phần thu nhập lãi của các khoản cho vay được cơ cấu lại, cải thiện NIM năm 2021, mặc dù ở các mức độ khác nhau.
Có thể bạn quan tâm
Giảm lãi suất điều hành sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng?
05:30, 15/08/2020
Có nên “ép” tăng trưởng tín dụng?
05:30, 06/07/2020
Tăng trưởng tín dụng khó đạt mục tiêu
10:10, 13/03/2020
Tăng trưởng tín dụng sẽ thế nào trong nửa đầu năm 2020?
11:10, 28/02/2020
Ẩn số tăng trưởng tín dụng
16:38, 07/11/2019