Giảm lãi suất điều hành tác động ra sao đến mặt bằng lãi suất?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cắt giảm loạt lãi suất điều hành có hiệu lực từ 01/10/2020. Đây là lần giảm lãi suất điều hành thứ 3 trong năm nay.
Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống còn 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bừ trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm. Trần lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng được từ 4,25%/năm xuống còn 4,0%/năm; trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 5%/năm xuống còn 4,5%/năm.
Hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, nên các ngân hàng gần như không có nhu cầu vay vốn từ NHNN. Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù NHNN gần như không lượng bơm/hút ròng VND, nhưng một lượng lớn VND được đẩy vào hệ thống ngân hàng thông qua các giao dịch mua vào ngoại tệ của NHNN, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 92 tỷ USD, thậm chí có thể tăng lên 100 tỷ USD vào cuối năm nay.
Sở dĩ thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa do tăng trưởng tín dụng đang quá ì ạch. Tính đến 22/9/2020, trong khi tăng trưởng huy động đạt 7,7%, thì tăng trưởng tín dụng chỉ 5,12% so với đầu năm nay, thấp hơn nhiều cùng kỳ 2019 là 8,79% và còn cách xa mục tiêu của NHNN (ban đầu là 14%, sau điều chỉnh là 10%).
Trong 4 tháng gần đây, NHNN đã tạm ngừng giao dịch trên thị trường mở và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp, chỉ từ 0,1- 0,5%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,2%- 0,7%/năm với kỳ hạn 1 tuần, vẫn thấp hơn rất nhiều các lãi suất tái cấp vốn từ NHNN.
Trong khi đó, lãi suất huy động VND đã giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, tổng cộng từ 1,2- 2,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1- 6 tháng ở mức 3- 3,8%/năm, thậm chí có ngân hàng duy trì ở mức 2,2-2,5%/năm, tức là đã thấp hơn nhiều mức trần lãi suất huy động mới mà NHNN vừa quyết định. Do đó, mặt bằng lãi suất huy động có thể sẽ không thay đổi nhiều sau quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN. Theo SSI, yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng và Công ty này kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ giảm thêm 0,1 - 0,3%/năm trong quý 4/2020.
Có lẽ ảnh hưởng trực tiếp nhất đến thị trường trong nhóm các lãi suất điều hành này là lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng VND với 5 nhóm ngành ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao). Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù trần lãi suất này đã được giảm 2 lần, tổng cộng 1%, nhưng tăng trưởng tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp và xuất khẩu chỉ khoảng 3- 4%, thấp hơn mức tăng trưởng chung. Trong năm 2019, tỷ trọng cho vay 5 nhóm ngành ưu tiên chiếm hơn 42% tổng dư nợ toàn hệ thống. Dựa trên tỷ lệ cho vay ngắn hạn/tổng dư nợ trung bình của các NHTM tại 30/6/2020 là 50%, SSI ước tính tỷ lệ cho vay ngắn hạn với 5 nhóm ngành ưu tiên hiện là 20-25% tổng dư nợ hệ thống (tức là khoảng 1,7- 2,1 triệu tỷ đồng). Giả sử các khoản nợ này được điều chỉnh giảm 0,5%/năm theo trần lãi suất mới, từ năm 2021, người đi vay có thể giảm được từ 8,5- 10,7 nghìn tỷ đồng chi phí lãi vay.
Tuy nhiên, trần lãi suất cho vay mới chỉ áp dụng với các khoản giải ngân mới hoặc các khoản vay đến kỳ điều chỉnh lãi suất, nên số dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất trong quý 4/2020 sẽ khá ít, ảnh hưởng đến lợi nhuận các NHTM trong năm 2020 là không đáng kể.
Có thể bạn quan tâm
NHNN tiếp tục cắt giảm loạt lãi suất điều hành
17:15, 30/09/2020
NHNN: Theo dõi sát "sức khỏe" hệ thống để xem xét giảm lãi suất điều hành
15:16, 22/09/2020
Giảm lãi suất điều hành sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng?
05:30, 15/08/2020
Có nên cắt giảm thêm lãi suất điều hành?
06:00, 03/08/2020
Giảm lãi suất điều hành vẫn chưa có tác dụng
16:30, 16/05/2020