Cần gỡ thêm "nút thắt" cho gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ gỡ bỏ một số điều kiện cho vay của gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều kiện bất cập tồn tại cần giải quyết.
Trong thời gian qua, điều kiện giải ngân gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng quá khắt khe khiến các doanh nghiệp không với tới được gói hỗ trợ này. Có lẽ bởi vậy mà theo thống kê của NHNN, cả nước mới chỉ có 1 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện vay gói 16.000 tỷ đồng, nhưng... sau đó lại thôi. Nói như ông Trần Đức Tân, Giám đốc Công ty THHH Mặt trời Vàng, chỉ những doanh nghiệp thực sự nằm “đắp chiếu” mới đủ điều kiện được vay gói 16.000 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, không có doanh nghiệp nào ngồi chờ “chết” để được vay từ gói hỗ trợ này.
Trước thực trạng trên, Bộ LĐ-TB-XH đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định sửa đổi Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về điều kiện cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động. Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bỏ điều kiện "đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3, điều 98, Bộ Luật Lao động", đồng thời bỏ quy định “trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc”. Thời gian lao động ngừng việc được hỗ trợ được kéo dài từ "trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020" thành "trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12/2020".
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất sửa điều kiện “doanh nghiệp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc” thành “Người sử dụng lao động có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019” để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vồn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đề xuất tháo gỡ các điều kiện nói trên của Bộ LĐ-TB-XH là chưa đủ. Chẳng hạn như điều kiện quy định doanh nghiệp phải có từ 20- 30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên… Đây là quy định mà các doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được.
Một vị Giám đốc doanh nghiệp ở Hà Nội cũng thẳng thắn rằng doanh nghiệp của ông đang phải gồng mình để bù đắp sự sụt giảm từ sản xuất kinh doanh, duy trì lao động bằng cách cho lao động nghỉ luân phiên, chứ không thể để lao động nghỉ liên tiếp cả tháng, như vậy sẽ dễ mất lao động. "Doanh nghiệp thiếu lao động thì sao có thể tái hồi phục sản xuất kinh doanh sau dịch?", vị Giám đốc này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng điều kiện có từ 20%, hoặc từ 30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên là bất hợp lý. Bởi vì trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang cho lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, cố gắng gượng duy trì lao động để còn hồi phục sau dịch COVID-19” – TS. Hiếu nhấn mạnh, đồng thời cho rằng cần loại bỏ điều kiện này.
Đặc biệt, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất loại bỏ điều kiện “nợ xấu” là doanh nghiệp không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019 mới được tiếp cận gói vay. Bởi vì, việc doanh nghiệp có nợ xấu và việc hỗ trợ vay vốn trả lương người lao động là hai vấn đề tách bạch, không liên quan đến nhau. Do đó, doanh nghiệp có nợ xấu trong quá khứ mà không được tiếp cận gói hỗ trợ này là không phù hợp...
Có thể bạn quan tâm