Gói hỗ trợ kinh tế: Đừng để “thuốc” tồn kho
Các gói hỗ trợ của Chính phủ được ví như “liều thuốc” cực mạnh giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
Thế nhưng đến nay, phần lớn “liều thuốc” này, đặc biệt là gói 16.000 tỷ đồng, vẫn còn tồn kho, trong khi rất nhiều người dân, doanh nghiệp có nhu cầu mà không tiếp cận được.
Khó tiếp cận gói hỗ trợ
Tôi có hẹn với anh bạn là chủ doanh nghiệp lĩnh vực gốm sứ, tôi phải chờ anh tới cả tiếng đồng hồ mới thấy anh hớt hải đến. Lau vội giọt mồ hôi, anh chia sẻ vừa từ ngân hàng về, chạy đôn chạy đáo cả tháng nay hoàn thiện thủ tục vay vốn từ gói 16.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho doanh nghiệp với lãi suất 0%/năm để chi trả tiền lương cho người lao động mà chưa được.
“Tôi xoay sở các kiểu suốt 4 tháng qua cho anh em công nhân “ăn đong” từng đơn hàng, anh em đi làm luân phiên rồi, nhưng vẫn phải để 2 phân xưởng dừng hẳn hoạt động. Doanh nghiệp tôi có lẽ sắp không trụ được hơn nữa, vì đến nay đơn hàng cuối năm chưa có”, anh bạn tôi chia sẻ.
Có lẽ, câu chuyện doanh nghiệp của anh bạn tôi cũng là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp khác hiện nay. Câu chuyện về những doanh nghiệp mang trọng bệnh nhưng “thuốc” để trong “kho” mà lại không có “chìa khoá” mở.
Mặc dù phải ghi nhận các gói hỗ trợ nói trên đã được đưa ra nhanh chóng và kịp thời, song cũng phải thẳng thắn rằng nó chưa phát huy hiệu quả thực sự. Bởi vì, những doanh nghiệp như doanh nghiệp của bạn tôi chưa thể với tới.
Điều quan trọng lúc này là phải giải ngân nhanh các gói hỗ trợ lần một, việc triển khai như đã nói ở trên là quá chậm trễ. Các cơ quan chức năng phải nhanh chóng điều chỉnh các điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lần một để sớm giải ngân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước khi đưa ra gói mới. Nếu không, chúng ta đưa ra gói hỗ trợ mới cũng không có ý nghĩa gì khi mà niềm tin của người dân, doanh nghiệp chưa được tạo dựng.
Nghiêm túc rút kinh nghiệm
Hiện nay đang có nhiều kiến nghị đưa ra các gói hỗ trợ lần 2 trên cơ sở nghiêm túc rút ra bài học từ các gói hỗ trợ lần một. Ở lần xây dựng chính sách mới này, các cơ quan quản lý cần nhấn mạnh bài toán thị trường để thị trường tự giải quyết.
Vấn đề tiếp theo, chúng ta không nên đưa ra một gói hỗ trợ, trong đó quy định gói gọn một khoản tiền lớn rồi đặt mục tiêu giải ngân cho hết. Hỗ trợ cũng phải theo hình thức “may đo”, cần có sự khảo sát doanh nghiệp cần gì, nhóm nào cần hỗ trợ, hỗ trợ như thế nào,...? Điều này phải được thực hiện lấy ý kiến doanh nghiệp thông qua các tổ chức hiệp hội, từ đó mới tính toán xác định được ngân sách cho gói hỗ trợ. Đáng tiếc, gói hỗ trợ lần một đã không thực hiện điều này!
Cùng với đó, thay vì chỉ hoãn, giãn thuế và nhiều khoản phí như gói hỗ trợ lần một, gói hỗ trợ lần hai phải được nâng cao hơn là giảm – miễn. Thời gian của gói hỗ trợ lần 2 cũng cần kéo dài hết năm 2021, chứ không thể là năm 2020 khi mà 2/3 chặng đường năm 2020 đã đi qua và khủng hoảng đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cơ quan chức năng cũng cần đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng như quy định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14. Điều này thoạt nghe có vẻ như đi ngược, nhưng phải thẳng thắn rằng doanh nghiệp càng lớn, thì càng chịu tác động, thiệt hại nặng nề từ COVID-19. Do đó, mở rộng đối tượng, hỗ trợ cả nhóm doanh nghiệp lớn là cần thiết.
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp cho biết không kỳ vọng sẽ tiếp cận được gói hỗ trợ lần hai, bởi gói hỗ trợ đầu tiên doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, điều doanh nghiệp mong muốn được giảm thuế VAT đến năm 2021 cũng như hỗ trợ giảm các chi phí có liên quan để doanh nghiệp giảm bớt áp lực trong giai đoạn này.
Có thể bạn quan tâm
Cần thay đổi cách thức gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
11:00, 08/10/2020
Cần gỡ thêm "nút thắt" cho gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng
11:01, 07/10/2020
Các gói hỗ trợ nhiều rào cản, doanh nghiệp suy giảm niềm tin
05:00, 30/09/2020
Nghịch lý gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng
05:00, 26/09/2020
Gói hỗ trợ lần 2: Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí thay vì giảm thuế thu nhập
11:00, 15/09/2020
Gói hỗ trợ đợt 2: Cần đơn giản tối đa thủ tục hành chính
05:00, 07/09/2020
Cần bao nhiêu tiền cho gói hỗ trợ giai đoạn 2? (Kỳ 2)
04:30, 05/09/2020
Kinh tế Việt Nam nhìn từ các gói hỗ trợ giai đoạn 1 (Kỳ 1)
11:07, 04/09/2020