Chính phủ có nguồn lực, hãy hỗ trợ cho những lao động mất việc, những doanh nghiệp đang khó khăn theo hướng hỗ trợ chi phí chứ không phải là tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Báo cáo khảo sát tác động của sự bùng phát dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa thực hiện cho thấy, những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, trong khi phải đảm bảo tiền lương, trả bảo hiểm xã hội và các chi phí khác cho người lao động, trả tiền vay ngân hàng lãi và nợ gốc, các chi phí đầu vào như điện, nước, nguyên liệu, thuê kho, nhà xưởng...
Điều này ảnh hưởng tới dòng tiền vào của doanh nghiệp khi có tới 76% trả lời hiện không cân đối được thu chi, trong đó 54% có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí, nên phải cắt giảm lao động.
Trong khi khảo sát cho thấy có sự suy giảm niềm tin khi được hỏi ý kiến về hiệu quả các chính sách đã ban hành, vì thế cơ quan này kiến nghị với gói hỗ trợ lần 2 tới đây, Chính phủ cần xây dựng các chính sách hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực nhiều hơn cho doanh nghiệp, tiết giảm được dòng tiền chi ra, cơ chế thực thi chính sách phải nhanh, minh bạch, thuận tiện.
Đặc biệt, cần giảm các quy định, điều kiện thủ tục rườm rà, bất hợp lý ở gói hỗ trợ lần 1, chống suy thoái doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư FDI và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng tốt cơ hội.
Theo đó, các đề xuất cụ thể như: đề nghị Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020. Đồng thời, giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, tự nguyện. Đánh giá tính cấp thiết và ý nghĩa miễn đóng kinh phí công đoàn.
Để kích cầu tiêu dùng, đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), Ban IV đề xuất giảm mức thuế suất từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng, nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.
Mở rộng hình thức vay tín chấp để hỗ trợ doanh nghiệp, ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất, khoanh và giãn nợ, cho phép ngành du lịch và logistics áp dụng giá điện như ngành sản xuất...
Đáng nói, trong những đề xuất này, dư luận đặc biệt chú ý tới đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho các doanh nghiệp năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng như quy định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020.
Cho ý kiến về đề xuất này, nhiều chuyên gia cho rằng thiếu hiệu quả và không công bằng. PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô – Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, các biện pháp hỗ trợ như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là không hiệu quả và không thực chất.
“Bởi chính sách này chỉ giúp cho một số doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi, chứ không cứu được đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong nền kinh tế hiện nay. Việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ làm lợi cho nhóm 2% chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch”, vị chuyên gia cho biết.
Kết quả khảo sát của chính cũng chỉ ra những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt trong tình hình hiện nay và những tháng tới là: không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ (chiếm 81% câu trả lời); đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (chiếm 72%); trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (chiếm 53%); trả tiền điện nước - nhiên liệu đầu vào (chiếm 45%) và trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị (chiếm 42%).
“Như vậy, chính sách hỗ trợ phải hướng tới việc trợ giúp các doanh nghiệp về những khó khăn nêu trên. Nếu ngân sách có thì bù đắp/miễn giảm một phần những chi phí đó cho họ. Việc ưu đãi thuế thu nhập là không cần thiết”, PGS TS Phạm Thế Anh đề xuất.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhiều lần nhấn mạnh, tránh cào bằng trong gói hỗ trợ kinh tế lần 2. Thay vào đó, phải tập trung vào ưu tiên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp này chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Do đó phải hỗ trợ các doanh nghiệp này và những người lao động thuộc doanh nghiệp đó. Bởi trên thực tế, dù được cho là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ ít khi được ưu tiên về cơ chế, sức đề kháng của doanh nghiệp yếu, dễ bị tổn thương.
Theo PGS TS Phạm Thế Anh, bản chất khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa hẳn đã là thiếu tiền để sản xuất mà là thiếu đầu ra cho sản phẩm. Không bán được hàng thì doanh nghiệp sẽ không có nhu cầu vay. Cầu vay đã không có thì lãi suất có giảm nữa cũng không có ai vay.
Mặt khác, những doanh nghiệp duy trì được sản xuất hay thậm chí kiếm lời được nhờ đại dịch sẽ hưởng lợi nhờ khoản vay giá rẻ. Và như vậy, chúng ta thấy, chính sách tiền tệ đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp này.
Chính sách tiền tệ đã trợ giúp cho họ thì không có lý do gì Chính phủ lại dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ tiếp. “Vậy nên, nếu Chính phủ có nguồn lực, hãy hỗ trợ cho những lao động mất việc, những doanh nghiệp đang khó khăn theo hướng hỗ trợ chi phí chứ không phải là tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp”, PGS TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 07/09/2020
04:30, 05/09/2020
11:07, 04/09/2020
05:00, 28/08/2020
06:00, 27/08/2020
16:51, 21/08/2020
11:00, 20/08/2020