Bị gán mác thao túng tiền tệ, Việt Nam cần hành động ra sao?
Việt Nam vừa bị Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Vậy Việt Nam cần hành động ra sao để giải quyết vấn đề này?
Theo Công ty chứng khoán Bản Việt, (VCSC), việc củng cố dự trữ ngoại hối trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào mà NHNN đã thực hiện thời gian qua là hợp lý do: Tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam, vẫn ở mức thấp so với thế giới và chỉ ở quanh ngưỡng khuyến cáo tối thiểu của IMF.
Dẫn số liệu của World Bank, VCSC cho rằng tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nợ nước ngoài của Việt Nam năm 2018 mới chỉ ở mức 51,3%, thấp hơn tỷ lệ 57,8% của các nước thu nhập trung bình thấp và 88,5% của các nước thu nhập trung bình cao. Tại thời điểm cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng chỉ ở mức 3,43 tháng nhập khẩu và hiện tại tăng lên 4,4 tháng (vượt ngưỡng khuyến cáo tối thiểu 3 tháng nhập khẩu của IMF).
Tuy vậy, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 11,5 tháng nhập khẩu của thế giới và 7,7 tháng của các nước thu nhập trung bình thấp. Thêm vào đó, chỉ số dự trữ so với khoảng khuyến cáo phù hợp với chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng mới chỉ đang tiến dần đến ngưỡng khuyến cáo tối thiểu của IMF.
Với những số liệu VCSC đưa ra dẫn nguồn từ các định chế tài chính quốc tế và diễn biến/ so sánh dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam cùng các quốc gia, đây có thể xem là một trong những yếu tố/gợi ý quan trọng đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong nỗ lực phối hợp cùng các cơ chức năng hỗ trợ Chính phủ thương lượng cùng Bộ Tài chính Mỹ để tìm ra tiếng nói chung và chứng minh Việt Nam không thực can thiệp thao túng tiền tệ thông qua mua ngoại tệ.
Trước đó, tối 16/12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ. Trong Báo cáo tháng 12 (đánh giá kỳ 7/2019 - 6/2020), Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam (cùng với Thụy Sỹ) thao túng tiền tệ theo Đạo luật cạch tranh và thương mại quốc tế năm 1988 do Việt Nam đáp ứng 3 tiêu chí lượng hóa bởi Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Ngay trong sáng ngày 17/12/2020, NHNN cũng đã đưa ra phản hồi và khẳng định “Việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia”.
Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam không chỉ đơn thuần còn ở giai đoạn bắt đầu của quá trình chứng minh/ thuyết phục Bộ Tài chính Mỹ về các nội dung trên do trên thực tế, Mỹ đã có cảnh báo đưa Việt Nam vào danh sách điều tra về thao túng tiền tệ từ kỳ báo cáo năm trước. Giới chuyên môn cho rằng với báo cáo chính thức từ phía Mỹ, Việt Nam đã bước giai đoạn tiếp theo của các bước cần những động thái điều chỉnh chính sách phù hợp, uyển chuyển hơn nữa trong nỗ lực tăng nhập khẩu hàng hóa từ phía Mỹ nhằm cân bằng thương mại 2 chiều.
"Trong bối cảnh hiện tại khi Mỹ là quốc gia nhập khẩu chính ngạch có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam, việc tính toán phương án giảm xuất siêu sang thị trường một cách chủ động hay từ chính sách thuế mà Mỹ có thể áp trừng phạt đưa ra, đều có thể gây thương tổn hoạt động kinh doanh còn mong manh của doanh nghiệp Việt Nam trước bão COVID-19. Song song, Việt Nam lại cũng không thể lựa chọn phương án định giá đồng nội tệ cao, hay nói cách khác phá giá nội tệ vì đây cũng sẽ là con dao hai lưỡi phương hại trở lại đối với nền kinh tế. Đây sẽ là bài toán rất lớn trước hết đối với Tân Thống đốc NHNN Việt Nam mà trong bối cảnh "đặc thù" của Việt Nam, hoàn toàn không dễ phá giải", một chuyên gia đánh giá.
Theo ông này, ngay từ bây giờ, dù không muốn và nghe ra có vẻ tiêu cực nhưng Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu phụ thuộc Mỹ, cần có kịch bản dự phòng để ứng phó với trường hợp Chính phủ hai bên không có được tiếng nói chung giải quyết vấn đề và, đòn trừng phạt kinh tế có thể xảy đến.
Các chuyên gia từ VCSC lưu ý, trước đó, theo thông tin gửi đi từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ ngày 16/12/2020, Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang xem xét việc thông báo đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trước phiên Điều trần về Điều tra Việt Nam theo Điều 301 (Luật Thương Mại Hoa Kỳ 1974) về định giá tiền tệ (dự tính sẽ diễn ra vào ngày 29/12/2020 và hạn chót cho các phản hồi ngày 7/1/2021). “Tuy nhiên, các cơ quan của Việt Nam đã tiếp cận vấn đề một cách tích cực và đang phối hợp làm việc trao đổi với phía Hoa Kỳ. Do vậy, chúng tôi cho rằng phiên điều trần vẫn sẽ tiếp tục và khả năng cao USTR sẽ chỉ đưa ra quyết định sau khi quá trình điều trần kết thúc”, VCSC nhận định.
Có thể bạn quan tâm