Trong năm 2020, VND tiếp tục là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực. Tuy nhiên, chính điều này là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam bị Mỹ gán mác thao túng tiền tệ.
Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa Việt Nam và Thụy Sỹ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ cùng với 3 nước khác vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ.
Cũng trong tháng 10, Việt Nam ghi nhận lũy kế dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 93 tỷ USD. Thặng dư thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ 10 tháng cũng phá kỷ lục mới đạt 50,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư tài khoản vãng lai Việt Nam cũng đã đạt hơn 17 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoài… Điều này góp phần giúp giữ được tăng trưởng GDP của Việt Nam tuy thấp, nhưng vô cùng tích cực so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Mặt khác, mặc dù Việt Nam hoàn toàn không có chủ trương can thiệp tỷ giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu như khẳng định của Ngân hàng Nhà nước, song Bộ Tài chính Mỹ vẫn quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ theo đạo luật/quy định mới với bộ chỉ tiêu của Đạo luật Thực thi Thương mại Mỹ.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sẽ có 1 năm để cùng trao đổi, thương lượng với phía Mỹ để giải quyết vấn đề. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ quyết định đàm phán song phương hoặc cùng IMF đàm phán với Việt Nam kịp thời điều chỉnh chính sách tỷ giá nhằm loại bỏ lợi thế thương mại không công bằng. Trong trường hợp không được giải quyết, Mỹ sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn đối với Việt Nam, như áp mức thuế cao hơn, loại trừ khỏi các hợp đồng mua sắm của Chính phủ Mỹ...
Trước thực trạng nói trên, giới chuyên gia cho rằng NHNN sẽ phải rất khôn khéo để thuyết phục phía Mỹ rằng chúng ta không mua vào ngoại tệ trong 6/12 tháng gần nhất, đồng thời cố gắng giải thích mục đích mua vào ngoại tệ không phải để thao túng tiền tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Đây là vấn đề ngoại giao, không chỉ là vấn đề kỹ thuật.
Hẳn nhiên, bên cạnh vấn đề ngoại giao, chính sách tiền tệ của Việt Nam rất cần sự thận trọng. Đặc biệt, Việt Nam cần đến những chính sách gián tiếp để vừa tiếp tục giữ định giá tiền tệ phù hợp, qua đó tăng hấp lực đối với các dòng vốn ngoại đến đầu tư; vừa phải đảm bảo không vi phạm các điều khoản có thể bị cáo buộc.
Trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều yếu tố để minh chứng rằng chúng ta có quỹ dự trữ ngoại hối vượt trội là bình thường, khi xem xét trên giá trị tương đương 3- 4 tháng nhập khẩu. Đồng thời, cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam khá cân đối, với thặng dư không quá cao trên 5% so với hàng nhập khẩu. Hay nói cách khác, chúng ta vẫn đang ở trong nền kinh tế nhập nguyên liệu, và xuất khẩu các mặt hàng hàm lượng gia công lắp ráp chiếm tỷ trọng cao như dệt may da giày, linh kiện, điện tử…
Nhiều chuyên gia cho rằng, về dài hạn, Việt Nam nên dần từ bỏ chính sách can thiệp thị trường ngoại hối một chiều như hiện nay để điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường. "Muốn làm được điều đó, Việt Nam cần phải phát triển thị trường ngoại hối theo thông lệ quốc tế. Theo đó, Việt Nam cần thành lập một sàn giao dịch ngoại hối như sàn giao dịch chứng khoán. Sàn giao dịch ngoại hối cho phép nhiều bên tham gia, quyết định tỷ giá, chứ không phải do NHNN quyết định như hiện nay...", một chuyên gia khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ
07:50, 17/12/2020
[NGÂN HÀNG- CHỨNG KHOÁN TUẦN TỪ 13-18/1/2020]: Ngân hàng “bung” tín dụng xanh; tránh "bẫy thao túng tiền tệ"
05:01, 19/01/2020
Điều hành tỷ giá linh hoạt để tránh "bẫy thao túng tiền tệ"
05:30, 16/01/2020
Tránh bị “gắn mác” thao túng tiền tệ
11:00, 13/08/2019