Năm 2021, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nào?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cẩn trọng, phối hợp hiệu quả với các chính sách vĩ mô, tăng cường hoạt động quản lý...
Chia sẻ với đại diện các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)..., Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2021 đang đến gần với nhiều nhiệm vụ mới, thách thức mới. Chính phủ Việt Nam kiên định mục tiêu kép vừa tích cực tập trung phòng chống dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Các mục tiêu này được triển khai song song với các chương trình phát triển quốc gia, đẩy mạnh cải cách các lĩnh vực trọng yếu cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.
Thống đốc khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cẩn trọng, phối hợp hiệu quả với các chính sách vĩ mô, tăng cường hoạt động quản lý, thanh tra giám sát nhằm duy trì ổn định tiền tệ tài chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý triển khai các biện pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho hoạt động Fintech nhằm tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế số tại Việt Nam nói chung và trong ngành ngân hàng nói riêng.
Trên thực tế, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2020 khá tốt theo hướng linh hoạt và phù hợp. "NHNN đã cân bằng được hỗ trợ nền kinh tế với những chính sách có mục tiêu, duy trì ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. NHNN cũng đảm bảo được cân bằng giữa việc hỗ trợ hồi phục nền kinh tế và sức chống chịu của ngành ngân hàng", ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Văn phòng IMF tại Việt Nam đánh giá.
Tuy nhiên, nền kinh tế nói chung vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn do COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường. Do đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, cũng như đảm bảo hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế… Đặc biệt, NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại chú trọng kiểm soát nợ xấu để đảm bảo an toàn của cả hệ thống ngân hàng, cũng như tạo điều kiện cho dòng chảy tín dụng được thông suốt.
Đặc biệt trước việc Mỹ gán Việt Nam thao túng tiền tệ, nhiều chuyên gia khuyến nghị NHNN cần tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn, có thể giảm bớt việc mua vào ngoại tệ... Đồng thời, NHNN cũng cần chỉ đạo TCTD tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế; đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ...
Có thể bạn quan tâm
Chính sách tiền tệ: Cân bằng tăng trưởng và ổn định vĩ mô
09:39, 15/07/2020
Doanh nghiệp cần nhiều hơn ở chính sách tiền tệ và tài khoá
11:10, 16/06/2020
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Chính sách tiền tệ với "cuộc chiến" chống COVID-19
15:01, 17/02/2020
Chính sách tiền tệ, thắt chặt hay nới lỏng đều khó
13:56, 17/02/2020
Chính sách tiền tệ: Nặng gánh hai vai
05:30, 22/01/2020