Lên HOSE, OCB duy trì quan điểm tập trung “làm”, giá cổ phiếu do thị trường quyết
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đặt kỳ vọng ngân hàng tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản và vốn điều lệ từ 20% - 25%/năm.
Đây là một trong những chia sẻ của người đứng đầu ngân hàng sắp lên sàn HOSE vào ngày 28/1 tới đây. Các lãnh đạo của OCB, ông Trịnh Văn Tuấn và ông Nguyễn Đình Tùng – TGĐ OCB, cũng đã có nhiều chia sẻ xoay quanh hoạt động của ngân hàng tại sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu OCB.
Chia cổ tức tùy tình hình
- Đối tác chiến lược Aozora đã hỗ trợ gì cho OCB và OCB có còn kế hoạch đón cổ đông ngoại?
Aozora (AOZ) đã chính thức hợp tác chiến lược cùng OCB được 6 tháng (tính từ tháng 6-2020). Hiện OCB và AOZ đang thành lập Ban hợp tác và đang trong quá trình làm việc, trao đổi, sẽ xúc tiến việc hợp tác trong thời gian tới. Hiện OCB có 19.5% sở hữu nước ngoài. ĐHCĐ đã phê duyệt sẽ tiếp tục tìm kiếm cổ đông nước ngoài. Hiện chúng tôi đã có danh sách ngắn, tuy nhiên thủ tục triển khai sẽ kéo dài, do đó chúng tôi quyết định sẽ không gò bó, giới hạn đối tượng đầu tư trong thời gian tới. Sau niêm yết chúng tôi sẽ có kế hoạch cụ thể.
- Kế hoạch chia cổ tức từ 3-5 năm tới? Ngân hàng có dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt không?
OCB sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng và phải cân bằng với sự phát triển quy mô, nhưng vẫn đảm bảo vào top 5 NHTM tư nhân về mặt lợi nhuận như kỳ vọng. Theo đó, kế hoạch chia cổ tức tùy tình hình cụ thể. Việc chia bằng tiền sẽ cân nhắc theo hiệu quả của từng năm.
- OCB có thể chia sẻ về giá cổ phiếu niêm yết?
OCB quyết định niêm yết thẳng lên HoSE, không qua các sàn khác. Chúng tôi quan điểm tập trung vào “làm”. Giá sẽ do thị trường quyết định. Giá niêm yết là 22.900/cp cho ngày đầu tiên.
CTCK SSI sẽ có đánh giá độc lập tuy nhiên với giá niêm yết lần đầu này, P/E của OCB mới ở mức ở 7, P/B 1.4 (các ngân hàng đồng dạng 1.95, P/E 10), tương đương giá 31.000đ– 34.000đ /cp.
- OCB vừa triển khai SME- Elending; vậy hiệu quả, lợi ích đạt được bước đầu ra sao? Sản phẩm nào là trọng tâm mà OCB hướng tới?
SME E-lending được OCB triển khai chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Kết nối với các khách hàng có nhu cầu. Giai đoạn 2: Chấm điểm và phê duyệt in-app sẽ triển khai sau khi NHNN cho phép. Hiện NH đã tiếp xúc với >11.000 khách hàng SME thông qua trang SME E-lending. Về sản phẩm trọng tâm chúng tôi có 2 nhóm và OCB sẽ tập trung phát triển các sản phẩm phục vụ 2 nhóm khách hàng trọng tâm này. Đó là khách hàng trung lưu khá giả: Cho vay mua nhà đất… và khách hàng SME vay phát triển kinh doanh.
Nhiều cơ hội kinh doanh với Bamboo Airways
- Được biết OCB dự kiến triển khai sản phẩm cho vay trên Zalo. Đối với khách hàng trên kênh này thì quản trị rủi ro như thế nào?
OCB hiện áp dụng hệ thống đánh giá rủi ro tiên tiến sử dụng Dữ liệu đến từ nhiều kênh. Đối với sản phẩm hợp tác với Zalo, OCB dự kiến áp dụng 3 lớp dữ liệu thẩm định gồm (1) dữ liệu từ hệ thống đánh giá scorecard của Zalo, (2) dữ liệu phân tích từ hệ thống máy học (AI) của OCB, (3) lớp phê duyệt truyền thống theo qui định.
- Đầu năm 2019, OCB có hợp tác chiến lược với FLC Group. Vậy OCB có dư nợ của Bamboo Airways (BAV) không? Ngân hàng đánh giá ra sao về khả năng trả nợ cũng như đánh giá riêng về mảng hàng không?
OCB có quan hệ đối tác với nhiều tập đoàn. FLC là một trong những KH của OCB. Chúng tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng ở FLC ở mảng du lịch sinh thái và hàng không. Chúng tôi sắp sửa phát hành thẻ đồng thương hiệu OCB-BAV. Vào một năm nhiều khó khăn như 2020 thì nhìn chung hàng không không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng chung. Song BAV thì có nhiều lợi thế ở mô hình gọn nhẹ, chiến lược kinh doanh tốt. Tuy chỉ mới bay 2 năm nhưng BAV đã chiếm gần 20% thị phần. Với một doanh nghiệp phát triển nhanh như vậy thì rõ ràng chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh cho OCB.
- Ngân hàng có thể chia sẻ kế hoạch lợi nhuận 2021?
OCB dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 15% so với cùng kỳ 2020. 5 năm tới, chúng tôi cũng đặt mục tiêu đưa OCB trở thành ngân hàng trong Top 5 các NHTMCP tư nhân tốt nhất Việt Nam.
OCB sẽ chính thức niêm yết hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ 10.959 tỷ đồng. Tạm tính theo giá chào sàn là 22.900 vnđ/cp, thì mức vốn hóa thị trường của OCB là 25.096 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD), nằm trong Top 30 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (tính vào ngày 21/01/2021).
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM kiến nghị khẩn với Ngân hàng Nhà nước
11:10, 21/01/2021
Bất ngờ nợ xấu ngân hàng
05:30, 18/01/2021
Ngân hàng phụ thuộc bên thứ ba, rủi ro khách hàng chịu?
13:30, 18/01/2021
Ngân hàng số Cake lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam
18:37, 12/01/2021
“Bước nhảy vọt” chuyển đổi số ngân hàng
11:00, 04/01/2021