Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của TPBank từ “ổn định” lên “tích cực”
TPBank là một trong số ít các ngân hàng Việt Nam được nâng triển vọng tín nhiệm lên “tích cực” trong đợt đánh giá mới nhất của Moody’s.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service (Moody’s) vừa ra thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành, tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của TPBank ở mức B1. Đồng thời, triển vọng tín nhiệm của các chỉ số trên tại TPBank cũng đã được tổ chức xếp hạng có trụ sở tại Mỹ nâng lên “tích cực” từ mức “ổn định”. Đây là mức đánh giá triển vọng tín nhiệm cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam theo xếp hạng của Moody’s, và chỉ có 9 ngân hàng đạt được mức triển vọng này.
Thông báo trên của Moody’s được đưa ra sau khi tổ chức này quyết định duy trì xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành của Việt Nam ở mức Ba3 và thay đổi triển vọng xếp hạng của quốc gia ở chỉ số này từ “tiêu cực” lên “tích cực”. Sự thay đổi đánh giá triển vọng sức mạnh tín dụng quốc gia của Việt Nam cho thấy năng lực hỗ trợ các ngân hàng trong những thời điểm khó khăn của Chính phủ cũng được nâng cao hơn, và đó là yếu tố quan trọng để Moody’s đánh giá xếp hạng tín nhiệm tiền gửi và nhà phát hành của TPBank.
Việc triển vọng tín nhiệm của TPBank ở các chỉ số trên được nâng lên mức “tích cực” cho thấy năng lực tài chính, quản trị rủi ro tốt và uy tín của ngân hàng đối với các nhà đầu tư, đối tác và khách hàng đã tiến lên một nấc thang cao hơn, đặc biệt là đối với các tổ chức quốc tế.
Năm ngoái, dù phải đối mặt với những biến động kinh tế khó lường bởi dịch bệnh Covid-19, Moody’s vẫn đánh giá cao sức mạnh nội tại, tiềm lực tài chính của TPBank và giữ nguyên chỉ số tín nhiệm BCA.
Moody’s đánh giá cao TPBank ở các chỉ số về mức độ an toàn vốn, khả năng sinh lời mạnh mẽ bởi phân khúc bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ với biên lợi nhuận cao, bảng cân đối lành mạnh, thanh khoản tốt.
Kết quả kinh doanh cuối năm 2020 đã khẳng định nhận định trên của Moody’s và tạo tiền đề để tổ chức này nâng cao triển vọng tín nhiệm TPBank trong đợt đánh giá đầu năm nay. Kết thúc năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 206.316 tỷ đồng, tăng 24,47% so với năm 2019 và vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng huy động đạt 184.953 tỷ đồng, tăng 25,15% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.389 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2019. Hệ số an toàn vốn của ngân hàng theo chuẩn Basel II là 12,95% và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,17%.
Trong năm 2021, TPBank dự kiến sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao khi các chương trình đầu tư vào số hóa những năm trước tiếp tục phát huy hiệu quả. Thêm vào đó, giữa tháng 11/2020, TPBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 8.565 tỷ đồng lên 10.716 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu. Tăng vốn cũng sẽ giúp TPBank gia tăng được nguồn vốn trung dài hạn, tạo điều kiện để ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở những năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
Chìa khóa số cho doanh nghiệp: Thực hiện giao dịch mọi lúc mọi nơi cùng TPBank eBank Biz
14:03, 24/12/2020
TPBank là ngân hàng dẫn đầu về số giao dịch trên mỗi thẻ ghi nợ nội địa
09:38, 24/11/2020
TPBank được chấp thuận tăng vốn lên 10.716 tỷ đồng, mở thêm 6 điểm giao dịch
12:10, 09/11/2020
TPBank nhận giải thưởng quan trọng từ The Asian Banker
15:15, 02/11/2020