Thuế GTGT với hoạt động Thư tín dụng: Sẽ có hướng dẫn làm rõ và thu thuế trong quý 2
Sau tọa đàm "Thuế GTGT với hoạt động Thư tín dụng", DDDN tiếp tục trao đổi với Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các DN lớn - Tổng cục Thuế.
- Thưa ông, tại tọa đàm "Thuế GTGT với hoạt động Thư tín dụng" do DĐDN và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, như ông đã biết, rất nhiều ý kiến của ngân hàng và doanh nghiệp xác định dịch vụ L/C không phải đối tượng chịu thuế. Cơ quan quản lý Thuế đến nay xác định vấn đề này như thế nào?
Ngày 22/4/2020 Tổng cục Thuế cho biết, căn cứ văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các cục thuế địa phương: Từ thời điểm Luật các TCTD 2010 có hiệu lực (từ ngày 1/1/2011), L/C (Thư tín dụng) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định tại khoản 15 điều 4 Luật các TCTD 2010, sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Do vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương hướng dẫn các TCTD thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT. Toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2011.
Thực tế, pháp luật thuế quy định các hoạt động tín dụng, cho vay, bảo lãnh không thuộc diện chịu thuế GTGT. Quy định này có từ năm 1997, cho đến nay, quy định này vẫn còn nguyên giá trị.
Trước đây, trong các quy định về TCTD cũng không có quy định cụ thể về L/C. Tuy nhiên, từ năm 2010 khi Luật TCTD được ban hành (hiệu lực từ 1/1/2011) có quy định thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản (theo khoản 15, Điều 4). Nếu hiểu theo Luật thuế GTGT, nghiệp vụ này không phải là bảo lãnh tín dụng, không phải cho vay thì sẽ thuộc diện chịu thuế GTGT. Trường hợp L/C chứa đựng việc bảo lãnh có nghiệp vụ cho vay bắt buộc, các ngân hàng cũng hạch toán riêng và đưa vào diện không chịu thuế GTGT.
- Hiện nay các TCTD, doanh nghiệp lo lắng sẽ bị truy thu thuế là do các đơn vị này trong suốt một thời gian dài đã không tách bạch rõ từng vấn đề; mà nguyên nhân sâu xa là do bản chất của L/C có cả hai khía cạnh: Tín dụng và thanh toán. Chính vì vậy, TCTD, doanh nghiệp đều kê khai tất cả L/C vào diện không chịu thuế GTGT?
Về vấn đề này Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế phối hợp với các TCTD thực hiện bóc tách rõ thành 2 nhóm:
Thứ nhất, L/C nào có nghiệp vụ bảo lãnh, cho vay bắt buộc để riêng thành một nhóm.
Thứ hai, những nội dung chỉ liên quan đến thông tin về tài khoản, thông tin về chứng từ đưa đến, thông tin về chuyển tiền thì không phải là tín dụng thì tách riêng thành một nhóm.
Tuy nhiên, theo tôi để giải quyết triệt để những vướng mắc, các quy định về Luật chuyên ngành cần có quy định rõ ràng cụ thể. Ví dụ như các ngân hàng nói rằng L/C là nghiệp vụ "lưỡng tính" thì cơ quan quản lý Nhà nước cần quy định rõ phần nào thuộc về tín dụng, phần nào không thuộc về tín dụng để từ đó thì cơ quan thuế có thể thu đúng, thu đủ số thuế phát sinh. Khi văn bản pháp luật rõ ràng sẽ thuận lợi cho cả TCTD, doanh nghiệp và các cơ quan kiểm tra, giám sát.
Để hỗ trợ các TCTD và doanh nghiệp thực hiện đúng chính sách pháp luật về thuế, chúng tôi cũng đề nghị trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, cần báo cáo ngay các cơ quan có thẩm quyền để được kịp thời tháo gỡ…
Được biết, NHNN đã có văn bản gửi tới Bộ Tài chính để làm rõ và tách bạch liên quan tới nghiệp vụ L/C. Vậy bao giờ Bộ Tài chính có quyết định, hay văn bản hướng dẫn các TCTD và doanh nghiệp để giải quyết vấn đề?
Hiện nay chúng tôi đang phối hợp các cơ quan liên quan làm rõ và tách bạch phần thu thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C, với thời hạn sớm nhất trong quí 2/2021.
Xin cảm ơn Ông!
Có thể bạn quan tâm
Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng: Không nên truy thu
14:00, 14/05/2021
May10 kiến nghị giảm thủ tục về kê khai thuế GTGT với L/C cho doanh nghiệp
03:00, 14/05/2021
Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng: Quy định cần “dễ hiểu” và “dễ thực thi”
16:00, 13/05/2021
Thu thuế GTGT trên giao dịch tín dụng thư hiểu thế nào cho đúng?
00:05, 13/05/2021