Lãi vay thêm áp lực từ FED

HÀ ANH 03/07/2021 04:30

Dù chưa sớm tăng lãi suất, song việc FED thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE) cũng sẽ tạo sức ép không nhỏ đến mặt bằng lãi suất trong nước thông qua tỷ giá.

 Lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất liên ngân hàng liên tiếp giảm sâu trong hơn một năm qua.

Lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất liên ngân hàng liên tiếp giảm sâu trong hơn một năm qua.

Tại cuộc họp chính sách tháng 6 vừa qua, FED đã thay đổi quan điểm về lộ trình chính sách tiền tệ trong tương lai theo hướng có thể thắt chặt sớm hơn dự kiến.

Nguy cơ đảo chiều dòng vốn

Với việc nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi mạnh, trong khi lạm phát đang tăng nóng, FED cho biết sẽ sớm thu hẹp dần và tiến tới chấm dứt chương trình QE. Theo các nhà phân tích, động thái này có thể bắt đầu từ cuối năm nay, thậm chí sớm hơn. Không chỉ vậy, đồ thị điểm (Dot Plot) – phản ánh quan điểm về lộ trình chính sách của các quan chức FED – cũng cho thấy, FED có thể sẽ có ít nhất một lần tăng lãi suất vào năm 2022.

Mặc dù việc tăng lãi suất của FED chưa sớm diễn ra, nhưng chỉ với việc thu hẹp dần QE cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho USD, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới các nền kinh tế mới nổi.

Việc thắt chặt tiền tệ của FED sẽ đẩy USD tăng giá, qua đó khiến dòng vốn đầu tư đảo chiều rút khỏi các các thị trường mới nổi. Điều đó sẽ đẩy các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi rớt giá mạnh và tạo sức ép lớn đến lạm phát. Bởi vậy theo ông Teresa Kong- Nhà quản lý danh mục đầu tư tại Matthews International Capital Management LLC ở San Francisco, các NHTW tại các thị trường mới nổi có thể phải tăng lãi suất để chặn lại đà giảm giá của đồng nội tệ cũng như để kiềm chế lạm phát.

Sức ép tăng tỷ giá và lãi suất

Theo các chuyên gia kinh tế, khi FED bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản, USD sẽ tăng nhanh và tạo áp lực lên các đồng tiền mới nổi, trong đó có VND.

Thực tế cũng cho thấy, sự tăng giá mạnh của USD trong thời gian gần đây cũng khiến tỷ giá trong nước tăng theo. Theo đó, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 79 đồng (tương đương tăng 0,34%) trong nửa cuối tháng 6 vừa qua. Trong khi giá mua - bán USD của các nhà băng cũng tăng 70 đồng/USD, tương đương tăng khoảng 0,3%.

Bên cạnh đó còn sức ép từ lạm phát khi mà giá của nhiều loại nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu, đang có xu hướng tăng mạnh khi cầu thế giới phục hồi. Bởi vậy, để duy trì ổn định tỷ giá trong nước trước sức ép của đồng USD cũng như để kiểm soát lạm phát, việc thắt chặt hơn tiền tệ của Việt Nam là khó tránh khỏi, và mặt bằng lãi suất vì thế cũng được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.

Bởi vậy, theo dự báo của nhiều chuyên gia, mặt bằng lãi vay có thể được duy trì ổn định trong năm nay, song khả năng tăng trong năm tới. Trong một báo cáo vừa công bố mới đây, SSI Research cũng dự báo, lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng khoảng 50 điểm cơ bản, trong khi lãi vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2021.

Có thể bạn quan tâm

  • Lãi suất về 0%, thị trường bất động sản có “bong bóng”?

    Lãi suất về 0%, thị trường bất động sản có “bong bóng”?

    06:00, 28/06/2021

  • Lãi suất ngân hàng - một góc nhìn

    Lãi suất ngân hàng - một góc nhìn

    08:02, 26/06/2021

  • Lãi suất tiền gửi 0%: Đổ thêm dầu vào lửa, nguy cơ sốt đất trở lại

    Lãi suất tiền gửi 0%: Đổ thêm dầu vào lửa, nguy cơ sốt đất trở lại

    11:20, 25/06/2021

HÀ ANH