Ứng phó COVID-19, ngân hàng lên phương án “3 tại chỗ”

LÊ MỸ 30/07/2021 05:45

Không thuộc lĩnh vực bắt buộc áp dụng “một cung đường, 2 địa điểm” và “3 tại chỗ”, nhưng trước diễn biến phức tạp khó lường của COVID-19, nhiều ngân hàng đã có các phương án sẵn sàng.

"Soạn" sẵn kịch bản ứng phó COVID-19 

Eximbank, ngân hàng từng có chi nhánh tại quận 10 (TP HCM) phải đóng cửa vì COVID-19 trong mùa dịch 2020, sẵn có kinh nghiệm để xử lý khi khách hàng nghi nhiễm COVID-19 đến giao dịch, nên cũng sẵn các phương án khá cụ thể để ứng phó mọi tình huống trong làn sóng lần thứ tư này.

Những chiếc lều vải ngủ đã...sẵn sàng 3 tại chỗ được nhân viên Eximbank chia sẻ trên mạng xã hội

Những chiếc lều vải ngủ đã...sẵn sàng "3 tại chỗ" được nhân viên Eximbank chia sẻ trên mạng xã hội

Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng Giám đốc Eximbank, kiên quyết thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của TPHCM và Bộ Y tế, đồng hành cùng người dân trong việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, Eximbank đã tạm thời ngừng giao dịch tại một số đơn vị tại TP Hồ Chí Minh. “Eximbank sẽ phục vụ khách hàng tại 36 đơn vị có điều kiện tốt nhất trên địa bàn TPHCM nhằm bảo đảm sức khoẻ cho khách hàng. Chúng tôi cũng rất thận trọng trong việc triển khai công tác 3 tại chỗ cho các đơn vị tại khu vực có dịch bệnh phức tạp, cụ thể là TPHCM. Đảm bảo việc tổ chức thực hiện 3 tại chỗ an toàn, tuân thủ quy định cũng như bố trí chu đáo cho anh chị em CBNV khi thực hiện”, ông Vinh nói.

Được biết Eximbank có 85 chi nhánh phòng giao dịch trên địa bàn TP HCM. Đến nay ngân hàng đã tạm dừng hoạt động khoảng 50 đơn vị, việc dừng không phải do các đơn vị có gặp vấn đề gì về COVID 19 mà là các đơn vị ở những “vùng đỏ” căng thẳng dịch bệnh và nhu cầu giao dịch tài chính tại điểm giao dịch truyền thống của người dân gần như hạn chế tối đa. Do đó Eximbank có sự cân nhắc, thận trọng, “xem xét triển khai 3 tại chỗ để thực hiện cuốn chiếu ở những đơn vị duy trì hoạt động. Việc lựa chọn các đơn vị thực hiện 3 tại chỗ không nhất thiết tại các đơn vị kinh doanh lớn, mà lựa chọn đơn vị phù hợp (phù hợp giãn cách - bảo vệ cán bộ và tuân thủ yêu cầu giãn cách trong giai đoạn khẩn cấp này của TP HCM”. Quyết định này cũng giúp Eximbank có sẵn nguồn lực “back up” bổ sung trong trường hợp cần thay thế nhân lực "3 tại chỗ", các nhân lực có thể ưu tiên tự nguyện, hướng đến nhân sự trẻ không vướng mắc gia đình, con nhỏ...qua đó đảm bảo đáp ứng đầy đủ giao dịch của người dân và không bị “rối” trong các trường hợp khẩn.

Những

Những "phòng làm việc đặc biệt" trong ngày giãn cách (ảnh: Eximbank cung cấp)

Trên mạng xã hội, một số nhân viên Eximbank đã đăng tải hình "3 tại chỗ" được trang bị kĩ lưỡng, gọn gàng. Những chiếc lều ngủ nhiều màu được sắp xếp giãn cách bung ra bên cạnh ghế đợi của khách hàng ngay quầy giao dịch ghi lại những “khoảnh khắc” chưa từng có trong lịch sử kinh doanh của ngành ngân hàng và cả nền kinh tế.

Với HDBank, ông Phạm Quốc Thanh -Tổng Giám đốc HDBank cho biết, ngân hàng đã thành lập Ban BCP (Business Continuity Plan - Ban Kế hoạch Duy trì hoạt động kinh doanh) với thành phần là các lãnh đạo chủ chốt, liên quan, có quy định về cấp độ tiếp nhận thông tin, xử lý, ra quyết định theo sự phân cấp, phân tầng đủ đảm bảo thông tin tiếp nhận, chỉ đạo, xử lý đa chiều và hiệu quả, sao cho các phòng giao dịch, chi nhánh, trung tâm tại địa bàn, vùng, khu vực… luôn có được ngay phương án và quyết định ứng phó nhanh với các tình huống phòng, chống COVID-19. Trên cơ sở đó để lập tức xử lý theo đúng quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế và địa phương, đồng thời, xác định hướng xử lý kế tiếp nhằm để đảm bảo kế hoạch kinh doanh liên tục, tiếp tục được vận hành ngay tại phòng giao dịch, chi nhánh, trung tâm tại địa bàn đó.

HDBank cũng “soạn” nhiều phương án khác nhau khi khách hàng, cán bộ nhân viên, người nhà cán bộ nhân viên…có thể là F, để có các phương án xử lí tương ứng và có diễn tập từ trước. Theo đó, tùy tình huống mà kích hoạt phương án. “Các phương án này luôn được bộ phận quản lý rủi ro hoạt động theo dõi cập nhật thay đổi linh hoạt theo tình hình thực tế, theo quy định của Chính phủ, của Bộ Y tế, trong đó tính cả phương án 3 tại chỗ trước cả khi Chính Phủ có quy định, dù ngân hàng không phải thực hiện giải pháp 3 tại chỗ như các ngành sản xuất. Tất cả những quy trình, bộ quy tắc, các giải pháp khác khi văn phòng sẽ không chỉ là nơi làm việc được tính đến, sao cho đảm bảo sự an toàn và có đầy đủ trang thiết bị vật dụng thiết yếu phục vụ nếu phải ở lại tại chỗ, là quan trọng nhất cho CBNV”, ông Phạm Quốc Thanh cho biết.

Cũng theo Lãnh đạo HDBank thì ngân hàng đã chuẩn bị kĩ đến các khâu nhu yếu phẩm, chỗ ăn, chỗ ngủ… cho nhân viên khi cần. "Chẳng hạn như với các suất ăn cho CBNV ở những nhóm thực thi giải pháp 3 tại chỗ, chúng tôi đã sẵn sàng kết nối chủ động cung ứng suất ăn theo tiêu chuẩn dịch vụ hàng không để đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng cho nhân viên. Nếu tình hình nếu diễn biến phức tạp hơn, chúng tôi sẽ lập tức thực thi các giải pháp này tại các điểm giao dịch quan trọng trên địa bàn" - đại diện HDBank nói.

Giảm áp lực vận hành nhờ số hóa

Ông Phạm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc HDBank cũng cho biết, hai năm đại dịch COVID-19 từ 2020 đến nay đúng vào thời điểm HDBank đẩy mạnh số hóa trong mọi mặt hoạt động của ngân hàng, từ các quy trình giao dịch, vận hành, nhân sự, đánh giá,… và do diễn tiến dịch bệnh, HDBank càng đẩy mạnh số hóa nhanh, đa dạng hơn
nữa.

Chuyển đổi số nhanh đã giúp HDBank quản lý, vận hành lẫn đáp ứng giao dịch thông suốt (ảnh: Giao dịch trên app HDBank)

Chuyển đổi số nhanh đã giúp HDBank quản lý, vận hành lẫn đáp ứng giao dịch thông suốt (ảnh: Giao dịch trên app HDBank)

"Nhờ đó, hoạt động nội bộ lẫn bên ngoài với việc cung ứng, duy trì các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số đều đảm bảo thông suốt, không cần tiếp xúc, không bị ảnh hưởng bởi giãn cách tại các địa phương áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16", ông Thanh nói.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, trong thời gian dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, là một ngành hàng thiết yếu, OCB vẫn đảm bảo hoạt động giao dịch thông suốt tại 134 chi nhánh, phòng giao dịch với số lượng nhân sự được bố trí luân phiên, nhằm đảm bảo theo đúng quy định của Chính phủ và NHNN trong công tác phòng chống dịch.

Để giảm áp lực cũng như giảm thiểu sự rủi ro lây nhiễm cho đội ngũ CBNV và khách hàng, chúng tôi đã tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ online, khuyến khích khách hàng thực hiện các giao dịch online thay vì đến quầy. Bên cạnh miễn phí các dịch vụ như chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, miễn phí thường niên,….. OCB còn triển khai liên tục các chương trình khuyến mãi, ưu đãi lớn dành cho khách hàng. Trong kế hoạch phát triển sắp tới, chúng tôi đưa ra mục tiêu thực hiện 80% các hồ sơ, thủ tục tài chính trên online, chỉ những giấy tờ cần thiết thì khách hàng mới cần đến quầy giao dịch”, Tổng Giám đốc OCB chia sẻ.

Nhìn chung, trong làn sóng COVID-19 lần thứ tư, các ngân hàng đã và đang nỗ lực đảm bảo hoạt động xuyên suốt các điểm giao dịch trên toàn hệ thống, đồng thời tuân thủ nghiêm túc các quy định hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, quy định của các địa phương cũng như các quy trình kiểm soát, phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện “3 tại chỗ” đối với ngân hàng trên thực tế thực thi cũng không hề dễ dàng. Bởi hoạt động ngân hàng dưới cấp hội sở, trung tâm giao dịch, là hàng chục đến hàng trăm chi nhánh, phòng giao dịch. Và không phải chi nhánh, phòng giao dịch nào cũng được đặt tại tòa nhà, địa điểm do ngân hàng đầu tư, thuộc quyền sở hữu của ngân hàng để toàn quyền tự quyết mà đa phần là mặt bằng đi thuê. Có điểm thuê tại tòa nhà, cao ốc (building) chung theo phòng, tầng hoặc vài tầng tuy quy mô, có điểm thuê nguyên tòa nhà riêng, lại có điểm thuê một phần của tòa nhà riêng. Do đó, mỗi một chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng bên cạnh các quy định, phương án được quyết định bởi ngân hàng trong tình huống ứng phó COVID-19, còn chịu chi phối quyết định của phường, quận, huyện… nơi ngân hàng đóng trú kinh doanh. “Có khi xuất hiện ca nghi nhiễm COVID-19 tại ngân hàng, chúng tôi thực hiện test tại chỗ, thực hiện xử lý khử khuẩn, đóng cửa phòng giao dịch chờ quyết định sau cùng theo quy định 2-3 ngày, thay thế các nhân sự có liên quan trực tiếp ca nghi nhiễm và sẵn sàng mở cửa giao dịch lại... Nhưng nếu địa phương yêu cầu đóng thời gian dài hơn thì ngân hàng cũng phải chịu”, lãnh đạo một ngân hàng thông tin.

Bên cạnh đó, vì đặc điểm thuê mặt bằng trên, cũng có những tình huống khó khăn "hậu cần" khi chuẩn bị “3 tại chỗ” như có lúc phòng giao dịch thuê tòa nhà 3 tầng, nhưng không thuê khu vực bếp, hợp đồng giao kết với chủ nhà ngoại trừ bảo vệ ở lại trực đêm, nhân viên ngân hàng không được ở lại qua đêm, thì nay tất cả “ăn ngủ nghỉ làm việc” tại chỗ… khiến phải thương thảo lại cùng chủ cho thuê .v.v “Dù khó, dù trở ngại, một khi tất cả cùng đồng lòng thì mọi vấn đề đều vượt qua. Trong tình huống khó quá không xử lý sao cho 3 tại chỗ an toàn cho anh em CBNV và khách hàng, chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch, tìm phương án "back up" về đáp ứng nhu cầu giao dịch tốt nhất cho người dân thuận tiện tại khu vực đó”, đại diện một ngân hàng khác tại TP HCM cũng cho biết.

Theo đại diện HDBank, ngân hàng là ngành có nhiều CBNV, nhiều chi nhánh, khách hàng đến giao dịch thường xuyên nên tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có nhiều bộ quy tắc, từ ngành, đến bản thân ngân hàng, nhiều tầng lớp bảo vệ. Tuân thủ các bộ quy tắc, áp dụng nghiêm ngặt mọi quy trình chuẩn mực, test nhanh tại chỗ COVID-19 cứ 5 ngày / lần cho tất cả CBNV, thực hiện 5K, khử khuẩn định kỳ, khách hàng đến giao dịch cũng có quy trình kiểm tra y tế, lưu giữ thông tin, phối hợp với ngành Y tế chặt chẽ.. là những giải pháp để ngân hàng tiếp tục đảm bảo an toàn cho tổ chức, cho CBNV, đảm bảo lưu thông dòng tiền quốc gia, đáp ứng nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp và nhu cầu chi tiêu thiết yếu của người dân, góp sức an toàn cho cộng đồng và ổn định cho nền kinh tế ngay cả trong cao điểm của dịch bệnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Tân Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc Dân là ai?

    Tân Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc Dân là ai?

    17:02, 29/07/2021

  • Ngân hàng tiếp tục siết cho vay kinh doanh bất động sản

    Ngân hàng tiếp tục siết cho vay kinh doanh bất động sản

    11:26, 29/07/2021

  • Cổ phiếu ngân hàng giảm sức hút?

    Cổ phiếu ngân hàng giảm sức hút?

    05:45, 29/07/2021

  • Ngành ngân hàng: Bức thiết nhu cầu tăng vốn

    Ngành ngân hàng: Bức thiết nhu cầu tăng vốn

    14:00, 28/07/2021

  • SSI vay hợp vốn 100 triệu USD từ nhóm các ngân hàng nước ngoài

    SSI vay hợp vốn 100 triệu USD từ nhóm các ngân hàng nước ngoài

    16:00, 26/07/2021

  • Ngân hàng đã miễn giảm lãi hơn 18 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp

    Ngân hàng đã miễn giảm lãi hơn 18 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp

    05:37, 24/07/2021

LÊ MỸ