HẠ LÃI VAY, NÊN HAY KHÔNG: Doanh nghiệp yếu dần, ngân hàng lợi nhuận “khủng”
Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục báo lãi “khủng” trong 6 tháng đầu năm, trong khi đó, con số doanh nghiệp phá sản, giải thể… lại tiếp tục dự báo có chiều hướng tăng.
Xung quanh câu chuyện mang tính nghịch lý này đã có không ít phân tích, đánh giá nhiều chiều từ các chuyên gia tài chính lẫn người trong cuộc là doanh nghiệp khi họ thực sự đang “ngấm đòn” vì tác động của dịch COVID-19.
Theo báo cáo tại Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 35.607 doanh nghiệp, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 24.660 doanh nghiệp, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2020.
So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 16/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (9.022 doanh nghiệp, chiếm 36,6%); Xây dựng (2.966 doanh nghiệp, chiếm 12%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.937 doanh nghiệp, chiếm 11,9%). Con số này phản ánh sự khó khăn trong kinh doanh do dịch bùng phát và nhu cầu đi lại bị suy giảm bởi giãn cách xã hội.
Trong khi đó, số doanh nghiệp đã giải thể trong 6 tháng đầu năm 2021 là 9.942 doanh nghiệp, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có gần 20% (1.953 doanh nghiệp) trước đó đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.
Tính chung các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể và đã giải thể, con số lên tới 70.209 doanh nghiệp. Đây là con số đáng báo động cho nền kinh tế trong nước khi nhiều doanh nghiệp không thể tồn tại được trong thời gian qua và dự báo sẽ còn gia tăng sắp tới nếu dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài.
Chiều ngược lại, mặc dù tích cực nhưng số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 là 67.083 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020 và chưa thể bù đắp số doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh, phá sản giải thể nói trên. Tuy vậy, đây là doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm từ trước đến nay, vượt qua cột mốc 66.958 doanh nghiệp của giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019, thể hiện sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
Sức khoẻ của doanh nghiệp đang yếu dần, bức tranh sản xuất kinh doanh ảm đạm, nhiều đơn vị liên tục báo lỗ, có nguy cơ phá sản hiện hữu. Thậm chí, có không ít doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm lương nhưng vẫn không thể giữ được thăng bằng cán cân thu – chi trong thời điểm hiện nay.
Đặc biệt, khi TP Hồ Chí Minh – được ví như “thủ phủ” của nền kinh tế trong nước bùng phát dịch COVID-19 một cách dữ dội như thời điểm hiện nay đã tác động liên hoàn theo dây chuyền tới các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước. Nếu như thời điểm những tháng đầu năm 2021, khi dịch COVID-19 đã dần được khống chế sau 3 lần bùng phát thì ở lần thứ 4 này, nhiều doanh nghiệp đã thực sự “sốc” nặng do các thành phố lớn trên địa bàn cả nước – nơi tập trung của nền kinh tế, thương mại bị tê liệt hoàn toàn do dịch.
Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để “tiếp sức” cho doanh nghiệp nhưng cũng chỉ như “muối bỏ bể” khi dịch COVID-19 chưa thể ấn định được thời gian kiểm soát, ngăn chặn.
Trong khi đó, một nghịch lý dễ thấy rất rõ hiện nay là con số các ngân hàng thương mại liên tục báo lãi “khủng”, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận thu về tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái đang khiến dư luận quan tâm suốt thời gian qua.
Cụ thể, theo danh sách thì đứng đầu bảng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 của ngành ngân hàng gồm: Vietcombank đạt 13.569 tỷ đồng (tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020); VietinBank đạt 10.805 tỉ đồng (tăng 48% so với cùng kỳ năm 2020); Techcombank đạt 11.536 tỉ đồng (tăng 71,2% so với cùng kỳ năm 2020); MBBank đạt gần 8.000 tỉ đồng (tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020); VPBank đạt hơn 9.000 tỉ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020)…
Các số liệu nêu trên có thể thấy rõ bức tranh đối lập nhau hoàn toàn về nghịch lý là cùng thời gian trên, hệ thống các ngân hàng thương mại báo lãi “khủng”, lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái nhưng trong khi đó doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngưng hoạt động liên tục vượt đỉnh. Và, khá bất ngờ với hiện tượng như vậy.
Đây là mốc buồn cho doanh nghiệp khi chưa bao giờ, họ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn hiện tại và cả tương lai đến vậy. Trong khi đó, mối liên hệ giữa doanh nghiệp – ngân hàng vốn dĩ lâu nay được xem như “anh em song sinh” với nhau. Bởi hiểu một cách đơn giản là dòng tiền vào-ra, tăng-giảm có phần lớn chi phối, tác động tới doanh nghiệp và ngược lại.
Ở một diễn biến liên quan, khi Thông tư 03/2021-NHNN ngày 02/4/2021 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành, có hiệu lực từ ngày 17/5/2021về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng vẫn còn những bất cập đối với doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp không mặn mà khi được cơ cấu thời hạn trở nợ theo Thông tư 03 mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Lý do phần lớn các khoản nợ được ngân hàng cơ cấu lại nằm trong thời hạn hoãn trả nợ cả gốc lẫn lãi chỉ trong vòng thời gian ngắn (chỉ vài tháng) nhưng sau đó yêu cầu khách hàng phải thanh khoản bằng cách cộng dồn thời gian tạm hoãn trả nợ như vậy chẳng khác nào ép doanh nghiệp vào thế chân tường?.
Mặt khác, thời gian cơ cấu nợ tối đa theo Thông tư 03 chỉ trong vòng 12 tháng thì quá ngắn vì từng đó tháng, doanh nghiệp sẽ không thể phục hồi kịp nếu COVID-19 được kiểm soát, ngăn chặn.
Cơ cấu thời hạn cho gói nợ đối với khách hàng cũng đang trở thành vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm, than phiền.
“Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã phá sản, làm thủ tục giải thể, số ít thì hoạt động cầm chừng. Nguy cơ nợ xấu sẽ gia tăng. Tuy nhiên nhiều ngân hàng hầu như không xem xét để giảm lãi vay cho các khoản nợ trung và dài hạn", một doanh nghiệp cho biết.
Thông tư 03 chỉ quy định cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay…đối với các khách hàng chịu tác động của dịch COVID-19 và phân loại các khoản nợ được xem xét cơ cấu khá cụ thể. Bên cạnh đó tại khoản 4, Điều 4, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, nghĩa là các tổ chức toàn quyền đánh giá khả năng thực thi nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp và đưa vào cơ cấu nợ hoặc không. "Rất nhiều doanh nghiệp bị “sốc phản vệ” do tác động của dịch COVID-19 không lấy đâu ra năng lực để đưa vào hệ số tín chấp; dòng tiền đang bị “mắc kẹt” do hàng hoá không được lưu thông được... nhưng cũng không hẳn được xem xét nợ cơ cấu nợ…” – đại diện một doanh nghiệp vận tải liên vận Việt – Lào ở Nghệ An nêu ý kiến.
Cũng theo ý kiến của một số doanh nghiệp khác đặt vấn đề lo ngại nếu theo thời gian hạn mức cơ cấu nợ mà Thông tư 03 quy định, được các ngân hàng thương mại đổ tiền cho vay thì nguy cơ nợ xấu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 chưa thể lường trước hết được.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc xét các tiêu chí để đưa các gói cơ cấu nợ theo hạn mức mở rộng đối với các khoản vay có thời điểm giải ngân sớm , như Thông tư 03 quy định là trước 23/1/2020 mà có thời gian quá hạn dài hơn (tức các gói vay trung dài hạn), sẽ có ý nghĩa “cứu” các doanh nghiệp đang duy trì được hoạt động trong dịch bệnh, giúp họ giảm áp lực trả gốc, lãi sẽ hiệu quả hơn chứ không phải chỉ khoanh vùng nợ ở các gói vay bị quá hạn sớm, tại thời điểm dịch COVID-19 xảy ra như bây giờ.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng vì sao chưa hỗ trợ tương xứng cho doanh nghiệp?
11:00, 04/08/2021
Giảm lãi suất cho vay, khó cho ngân hàng!
13:43, 03/08/2021
6 tháng cuối năm, nợ xấu nội bảng ngân hàng tăng bao nhiêu?
05:43, 02/08/2021
Lãi suất liên ngân hàng tăng có tạo áp lực cho nền kinh tế?
05:22, 30/07/2021
“Cáo trạng” nào để xử lý nợ xấu hậu COVID-19?
13:00, 03/08/2021