Doanh nghiệp kiến nghị cơ cấu lại nhóm nợ và lùi thời hạn trả nợ vay (bài 2)
Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh những mắc kẹt của Ngân hàng và Doanh nghiệp tại Thông tư số 03/2021 của NHNN. Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị cơ cấu lại nhóm nợ và lùi thời hạn trả nợ...
Kiến nghị cơ cấu khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020
Theo Khoản 1 Điều 4 Thông tư 03: "TCTD chỉ được cơ cấu số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính". Ông Nguyễn Quốc Hùng -Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, quy định này đang làm phát sinh một số khó khăn như:
Các TCTD chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản giải ngân trước ngày 10/6/2020. Tuy nhiên trong thực tế, sau ngày 10/6/2020 và đến đầu năm 2021 tình hình dịch bệnh tại nước ta cơ bản được kiểm soát. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN đảm bảo "mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, các TCTD đã giải ngân hàng triệu tỷ đồng trong giai đoạn từ sau 10/6/2020 đến nay. Phần nhiều trong số giải ngân này đang đến kỳ hạn trả nợ.
Tuy nhiên, dịch bệnh lại bùng phát từ cuối tháng 4/2021 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong trả nợ, do đó, sẽ có nhiều khoản nợ cần được cơ cấu nhưng lại không đáp ứng được điều kiện quy định tại Thông tư 03 về thời gian phát sinh nợ là trước ngày 10/6/2020. Việc không được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ không thể hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19; đồng thời các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động của TCTD.
Vì vậy, đề nghị NHNN xem xét cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020 hoặc xem xét không quy định thời gian phát sinh nợ "trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính" mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện, tránh phải sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 nhiều lần (trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021).
Bên cạnh đó, dư nợ được xem xét cơ cấu nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 chỉ áp dụng đối với nghiệp vụ cho vay, cho thuê tài chính (công ty cho thuê tài chính), không bao gồm dự nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như: Thẻ tín dụng, bảo lãnh, LC, bao thanh toán… Trong khi đó, đại dịch đã ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng.
Thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến, đặc biệt là với xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay thì số lượng khách hàng sử dụng Thẻ tín dụng và số dư nợ Thẻ tín dụng ngày càng tăng. Xét trên mức độ bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì việc cho phép cơ cấu nợ đối với số dư nợ Thẻ tín dụng là cần thiết. Do vậy, NHNN xem xét điều chỉnh quy định này theo hướng cho phép cơ cấu nợ bao gồm số dư nợ Thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19.
Kiến nghị giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 31/12/2021
Khoản 2 Điều 4 trong Thông tư quy định việc cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19 được thực hiện đến ngày 31/12/2021. Dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường, chưa dự báo được thời điểm kết thúc dịch. Đến cuối tháng 7/2021, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu được kiểm soát dù Chính phủ đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ: giãn cách xã hội nhiều tỉnh, thành phố, kiểm soát/hạn chế di chuyển…
Do đó, đề nghị NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 03 theo hướng cho phép áp dụng với các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch COVID -19.
Điểm a Khoản 3 Điều 4 quy định: “Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này".
Đối với khách hàng tại Tỉnh/Thành phố phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thuộc khu vực phong tỏa cách ly, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm điều kiện tại quy định này khi đề xuất xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Do vậy, đại diện các Doanh nghiệp và các TCTD đề nghị NHNN xem xét mở rộng cơ chế này như sau: Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 30 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận…
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng và Doanh nghiệp mắc kẹt vì Thông tư 03/2021 (bài 1)
15:00, 06/08/2021
Thông tư 03 tác động ra sao tới các ngân hàng niêm yết?
06:30, 08/04/2021
“Chúng tôi tha thiết mong được nới thời hạn cơ cấu nợ”
15:50, 15/07/2021
ĐIỂM BÁO NGÀY 14/07: "Chúng tôi tha thiết mong được nới thời hạn cơ cấu nợ"
07:00, 14/07/2021
NHNN chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
19:09, 12/03/2020