Ngân hàng và Doanh nghiệp mắc kẹt vì Thông tư 03/2021 (bài 1)

Diendandoanhnghiep.vn Ông Nguyễn Quốc Hùng -Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, mặc dù đang triển khai theo Thông tư 03/2021 song do COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, nhiều quy định rất cần được sửa đổi...

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng-Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị

Ông Nguyễn Quốc Hùng -Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị NHNN sửa đổi Thông tư 03 hỗ trợ Doanh nghiệp và Ngân hàng

"Mắc kẹt" vì Thông tư hướng dẫn

Ngày 2/4/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việc thực hiện Thông tư 01 và Thông tư 03 đã giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cơ cấu lại thời gian trả nợ phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp và ngân hàng.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021, dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố với diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn, cho đến nay chưa có dấu hiệu suy giảm, nhiều tỉnh thành áp dụng giãn cách xã hội, thực hiện phong tỏa, cách ly, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân.

Trước hình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song hiện nay, nhiều doanh nghiệp phản ảnh đang rất khó khăn do không có nguồn thu, không trả được nợ ngân hàng, không được cơ cấu các khoản vay theo Thông tư 01 và Thông tư 03, ảnh hưởng đến việc phân loại nhóm nợ. Theo phản ánh các ngân hàng thì việc không thể cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay khách hàng lại do vướng quy định tại Thông tư 01 và Thông tư 03, trong khi nợ xấu có xu hướng tăng cao.

Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng -Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, NHNN cần xem xét sửa đổi Thông tư 03 và có các giải pháp hỗ trợ ngân hàng phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biễn hết sức phức tạp hiện nay.

Cho phép các ngân hàng cơ cấu nợ nhiều lần

Điều 3, Thông tư 03 NHNN quy định: Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19 thực hiện theo quy định tại Thông tư này; các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”.

Căn cứ theo nguyên tắc áp dụng văn bản tại Thông tư 03 thì việc phân loại nợ sẽ tính đến số lần cơ cấu nợ của khoản nợ. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 10, Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định Nhóm 4: nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2 phân loại nợ; Nhóm 5: Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 3 trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn phân loại nợ… Theo đó, NHNN cho phép không căn cứ vào số lần cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 khi thực hiện phân loại lại để xác định số tiền dự phòng cụ thể trích bổ sung do:

Tại Thông tư 01, thì Thông tư này không giới hạn số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 chỉ áp dụng đối với nghĩa vụ nợ gốc, lãi đến hạn theo quy định mà không áp dụng đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng. Như vậy, trên thực tế, doanh nghiệp và khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có thể được các ngân hàng thương mại (NHTM) cho phép cơ cấu nợ nhiều lần. Theo Thông tư 01, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ gốc/lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 (Theo điểm b, Khoản 1, Điều 4, Thông tư 01).

Hiện tại, chưa xác định chính xác mốc thời điểm công bố hết dịch COVID-19 nên để đảm bảo tuân thủ Thông tư 01, tránh tình huống cơ cấu dư nợ đến hạn ngoài khoảng thời gian 03 tháng kể từ ngày công bố hết dịch, các NHTM đã thực hiện phương án thận trọng cơ cấu số dư nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn tối đa trong vòng 03 tháng tiếp theo kể từ thời điểm đề xuất cơ cấu nợ.

Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03 có tính đến số lần cơ cấu nợ theo Thông tư 01 sẽ làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro cao hơn rất nhiều so với Thông tư 02/2013/TT-NHNN do nhiều khách hàng cơ cấu nợ nhiều lần theo Thông tư 01 sẽ bị chuyển lên nhóm 5 (tỷ lệ trích lập 100%). Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTM, đồng thời tạo áp lực tài chính lớn cho các NHTM khi triển khai hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chưa đáp ứng mục tiêu và tinh thần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế của Thông tư 01...

DĐDN tiếp tục đăng tải những vướng mắc liên quan tới Thông tư số 03 trong bài sau.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng và Doanh nghiệp mắc kẹt vì Thông tư 03/2021 (bài 1) tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711706148 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711706148 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10