Siết đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng gặp khó
Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% theo quy định chắc chắn sẽ gặp rào cản trong rót vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vào thời gian tới, sau 15/1/2022.
>>> Ngân hàng nào sẽ dẫn đầu phát hành trái phiếu năm 2021?
Nhiều nội dung siết ngân hàng rót vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong các trường hợp cụ thể đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-NHNN mới đây. Thông tư này được cho là bổ sung vào những biện pháp tăng cường kiểm tra mạnh tay của Bộ Tài chính nhằm đảm bảo hạn chế rủi ro cho ngân hàng và thị trường trong bối cảnh hoạt động đầu tư vào trái phiếu đã tăng nóng thời gian qua.
Ngân hàng nào đang có nợ xấu từ 3%?
Một trong những quy định đáng chú ý trong Thông tư mới là tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua TPDN.
Căn cứ trên BCTC của các TCTD tại quý III/2021, hầu hết những NHTM đang hoạt động trên thị trường đều có nợ xấu dưới 3%, phân loại theo quy định của NHNN và các Thông tư gắn với bối cảnh COVID-19, gồm Thông tư 01, 03 và 14.
Một trường hợp đặc biệt ghi nhận tỷ lệ nợ xấu cao vọt so với ngành tại quý III là BaoViet Bank. Đến cuối quý III/2021, tỷ lệ nợ xấu của BaoViet Bank lên đến 10,53%, tăng mạnh so với 7,27% năm 2020. Tiếp sau là VPBank với tỷ lệ nợ xấu 4%. Nếu tỷ lệ nợ xấu này không cải thiện về mức "đẹp", thì đây có nguy cơ sẽ là 2 nhà băng không được rót vốn đầu tư TPDN theo quy định mới, trừ phi xét những tiêu chí liên quan mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD, vượt qua được quy định cụ thể của NHNN trước khi mua TPDN tại thời điểm có BCTC xác định kỳ phân loại và trước 15/1/2021 - thời điểm Thông tư có hiệu lực (rơi vào kỳ báo cáo quý IV/2021).
Một số TCTD hiện cũng đang ở gần ngưỡng "cảnh báo đỏ" về tỷ lệ nợ xấu theo quy định đối với hoạt động đầu tư TPDN, nếu xét ở số liệu cuối quý III. Đó là AnBinhBank và VietCapital Bank, với tỷ lệ nợ xấu tại 30/9/2021 đang ở mức 2,9%. Hay VietBank có nợ xấu tăng mạnh so với quý trước lên 2,65%..., cũng là trường hợp đáng lưu ý.
Tuy nhiên, phân tích về nợ xấu, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Ngân hàng cho rằng do các ngân hàng đang trích lập dự phòng rủi ro theo các Thông tư, với lộ trình dài và tỷ lệ theo từng giai đoạn nên con số nợ xấu này chưa phản ánh đầy đủ, hoàn toàn có thể thay đổi ở mỗi TCTD theo mỗi kỳ . Ông cảnh báo nợ xấu có thể dồn về tương lai, và sẽ vẫn còn tăng ở phía trước.
Bên cạnh đó, lưu ý là các TCTD nhóm 0 đồng không có thông tin nên cũng không thể xác định tỷ lệ nợ xấu. Giới chuyên môn cho rằng nhóm này bị hạn chế phần nào trong các hoạt động bao gồm đầu tư TPDN, và tùy theo sức khỏe tái cơ cấu từng thời kỳ mà NHNN sẽ nới hoặc siết các hoạt động.
Theo đó, quy định rất đáng chú ý này của Thông tư 16 trước mắt chưa thể “làm khó” được hầu hết các NHTM, nhưng sẽ là lời cảnh báo để nhiều ngân hàng mạnh về hoạt động đầu tư TPDN sẽ phải cân nhắc kỹ nhằm đảm bảo cân đối giữa chất lượng tín dụng, cho vay với giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, đặc biệt trong kỳ BCTC tới đây.
>>> Ngân hàng chặt cửa cho vay, rộng cửa “ôm” trái phiếu doanh nghiệp
Thận trọng trong tài trợ vốn qua TPDN
Thông tư 16 cũng quy định các trường hợp TCTD không được mua TPDN cụ thể.
Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính phân tích, với quy định “TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành”, đây là quy định chống “đảo nợ” và các NHTM thực tế trước nay cũng rất hạn chế hoạt động này.
Còn với quy định "TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác", hay "không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động", chuyên gia cho rằng cần làm rõ việc kiểm soát mục đích phát hành TPDN của doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, không ít trường hợp doanh nghiệp vẫn phát hành TPDN vì mục đích A, song có thể linh hoạt sử dụng vốn vì mục đích B. “Đây là quy định đáng chú ý bởi rất nhiều doanh nghiệp bất động sản và đầu tư tài chính theo mô hình holding trên thị trường thời gian qua đã phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn, góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp, mua dự án... Nếu kiểm soát chặt chẽ dòng tiền huy động thực thi theo mục đích phát hành công bố, thì sẽ hạn chế được rủi ro cho chính các TCTD và cả mối nguy “tăng vốn ảo”, ông nhận định.
Bên cạnh đó, vẫn có những băn khoăn về nội dung quy định trên, vì hoạt động phát hành để góp vốn, mua cổ phần được biết khá phổ biến với các doanh nghiệp. Trước khi Thông tư 16 được ban hành, nhiều chuyên gia cũng đã góp ý nội dung này trong dự thảo là sự hạn chế ngặt nghèo với cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp, có thể khiến ngân hàng mất cơ hội tăng dư nợ cấp tín dụng, còn doanh nghiệp bị mất cơ hội mở rộng quy mô vốn, quy mô kinh doanh trong trường hợp đảm bảo mục đích, năng lực, điều kiện chính đáng để phát hành.
Với quy định "TCTD không được bán TPDN cho công ty con của chính TCTD đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán TPDN cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc", thì theo chuyên gia, đây là quy định cần thiết và siết thêm 1 bước đối với hoạt động đầu tư, tài trợ vốn sở hữu chéo… với công cụ nợ là TPDN, giữa TCTD và các công ty con.
Còn nhớ vào vào tháng 2/2021, Thông tư 21 của NHNN cũng đã quy định các công ty phi tín dụng – các công ty tài chính hạn chế cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh TPDN, cổ phiếu. Cộng hưởng thêm quy định mới ở Thông tư 16/2021, rõ ràng bản thân các TCTD có công ty tài chính và cả công ty chứng khoán là công ty con, sân sau, sẽ không dễ san bớt được khoản tín dụng đầu tư vào TPDN theo dạng chồng chéo “vốn” như trước đây. Quy định này được kỳ vọng sẽ là một "nút chặn" để chặn hoạt động bắt tay "mua tay trái, bán tay phải" qua TPDN, giữa các ngân hàng có hệ sinh thái bao gồm các công ty con đặc biệt trong các lĩnh vực như hoạt động bất động sản, chứng khoán... Tuy nhiên, hiện chưa thể xác định rõ với các CTCK thường có ngân hàng hậu thuẫn và theo quan hệ mẹ -con, được biết hiện chiếm tới 50% thị phần tư vấn TPDN trên thị trường, thì liệu sẽ có giải pháp nào để tránh phạm quy định này và vẫn có thể tiếp tục mua TPDN của ngân hàng mẹ, phân phối lại như thời gian vừa qua?
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng chặt cửa cho vay, rộng cửa “ôm” trái phiếu doanh nghiệp
13:00, 17/11/2021
Cần giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
05:00, 16/11/2021
Hạn chế rủi ro qua sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp
11:00, 21/10/2021
Trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sẽ niêm yết trên HNX
11:18, 20/10/2021