"Xanh hóa" ngành ngân hàng để tăng trưởng "xanh"
Thị trường tài chính xanh của Việt Nam hiện chưa thực sự trở thành một xu hướng đầu tư. Do đó, cần "xanh hóa" ngành ngân hàng để thúc đẩy thị trường này...
>> Triển vọng kinh tế năm 2022 và chính sách tài chính xanh
Nghịch lý tiếp cận tài chính xanh
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao chủ trương chính sách của Việt Nam về tăng trưởng xanh và giảm phát thải, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới. Thực tế, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tiếp cận nguồn tài chính xanh từ các chương trình hỗ trợ quốc tế. Điều quan trọng là có cơ chế để dự án xanh trong nước tiếp cận tốt, giải ngân nhanh và triển khai có hiệu quả.
Một trong những cơ chế huy động và sử dụng hiệu quả tài chính xanh từ nguồn hỗ trợ quốc tế là xây dựng được ngân hàng xanh ở Việt Nam. Trong đó, các ngân hàng thương mại được đánh giá là đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội thông qua hoạt động cấp tín dụng. Tuy nhiên, là doanh nghiệp định hướng kinh doanh gắn liền với phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TNT nhận định, tài chính xanh chưa đến được rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo bà Bình, các ngân hàng thương mại phải đơn giản và minh bạch các cái thủ tục để thẩm định, đánh giá, đưa ra các tiêu chí xác định dự án được gọi là dự án xanh để có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Thứ hai là phải đào tạo đội ngũ cán bộ vì đây là vấn đề mới, làm thế nào để đội ngũ cán bộ chuyên biệt thẩm định các dự án xanh tiếp cận được nhanh nhất. Vì những dự án xanh là các dự án gắn liền với trách nhiệm xã hội nên các tiêu chí lợi nhuận không phải là tiêu chí hàng đầu. Vậy nên, khi thẩm định cũng phải nhìn nhận như vậy, nếu chỉ nhìn vào yếu tố lợi nhuận thì rõ ràng sẽ không thể bằng các dự án đầu tư khác.
Một nghịch lý đáng quan tâm nữa là trong khi doanh nghiệp khó tiếp cận tài chính xanh thì nhiều dự án quốc tế hỗ trợ tăng trưởng xanh lại chưa được triển khai hiệu quả. Đơn cử, năm 2018, Ngân hàng Phát triển Châu á (ADB) có dự án về phát triển đô thị xanh loại II thích ứng biến đổi khí hậu, được triển khai tại 3 tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư hơn 223 triệu USD. Thế nhưng hơn 3 năm qua vẫn chưa được phê duyệt để triển khai ở địa phương vì vướng mắc cả ở phía nhà tài trợ, cả phía Việt Nam. Do đó, huy động và sử dụng tốt nguồn hỗ trợ tài chính xanh từ các đối tác phát triển quốc tế của Việt Nam là điều cần được chú trọng trong thời gian tới.
>> Tài chính xanh: Giải pháp vốn cho doanh nghiệp vì môi trường
>> Giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh bền vững
“Xanh hóa” ngành ngân hàng
Theo các chuyên gia, ngân hàng xanh được coi là cơ chế mềm hóa quy trình thủ tục để cung và cầu trong lĩnh vực tài chính xanh có thể gặp được nhau. Nhưng các chính sách hỗ trợ phát triển ngân hàng xanh giai đoạn vừa qua chưa giải quyết được vấn đề nguồn vốn cho ngân hàng thực hiện tín dụng xanh và các hoạt động khác trong khuôn khổ phát triển ngân hàng xanh. Việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn. Thời gian hoàn vốn rất lâu trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng phần lớn là vốn ngắn hạn. Nguồn lực tài chính hiện nay cho tín dụng xanh của các ngân hàng, tổ chức tín dụng phần lớn vẫn dựa vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế. Vậy nên muốn phát triển mô hình ngân hàng xanh ở Việt Nam cần có những cơ chế hấp dẫn hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhu cầu tài chính ước tính để nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi xanh là rất lớn. Riêng trong lĩnh vực năng lượng giai đoạn 2020 - 2040 dự kiến cần hơn 270 tỷ USD để chuyển đổi năng lượng xanh. Cần có sự hợp tác giữa các ngân hàng nước ngoài với các ngân hàng Việt Nam để có thể xây dựng những mô hình ngân hàng xanh, mặc dù tất nhiên là sẽ có sự cạnh tranh. Để có thể “xanh hóa” ngành ngân hàng, bản thân mình phải xanh đã, nhân viên của mình cũng phải xanh đã.
Có thể nói, định hướng đầu tiên của các ngân hàng thương mại là xem xét lợi nhuận dự án trước khi cấp tín dụng. Vậy nên, nếu không phát triển được các ngân hàng xanh chuyên biệt để huy động các khoản tài chính xanh tạo nguồn cho tín dụng xanh thì các dự án xanh sẽ khó tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ và khuyến khích phát triển này. Ngoài ra, có ngân hàng xanh thì mới có thể đa dạng hóa dịch vụ tài chính xanh để doanh nghiệp tiếp cận, nhất là để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân hoặc đối tượng yếu thế cũng có thể tiếp cận được tín dụng xanh. Nếu không, tài chính xanh chỉ có thể đến được với các dự án lớn như những dự án điện gió ngoài khơi hàng tỷ đô, bà Trinh nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ rõ ràng đối với các ngân hàng cho vay các lĩnh vực xanh nhạy cảm với môi trường khí hậu. Đó là ngân hàng xanh được cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc áp dụng lãi suất thấp hoặc cấp bù lãi suất chênh lệch,… Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh cao cũng được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển.
Theo kinh nghiệm quốc tế, một số các giải pháp đã và đang được các ngân hàng Trung ương trên thế giới áp dụng để khuyến khích tín dụng xanh và phát triển ngân hàng xanh như giảm dự trữ bắt buộc tương ứng với mức độ cho vay xanh; tăng tổng dư nợ cho các ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh nhiều; áp dụng giảm lãi suất góp vốn đối với ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường tốt khi cấp tín dụng; tăng yêu cầu về tỷ lệ dự trữ bắt buộc và thanh khoản đối với ngân hàng nào cho vay các dự án có tổn thất thiệt hại lớn đối với môi trường.
Đây là những bài học kinh nghiệm tốt mà Việt Nam có thể tham khảo. Đồng thời, để tăng nhu cầu đối với tín dụng xanh, các chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng xanh cho doanh nghiệp như ưu đãi về lãi suất, thuế, phí, thủ tục vay vốn, tài sản đảm bảo cần thực hiện song hành. Có như vậy mới tạo môi trường cho doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xanh.
Có thể bạn quan tâm
Xu hướng chủ đạo của hệ thống tài chính toàn cầu giai đoạn 2021-2030 (kỳ 5): Phát triển tài chính xanh, ngân hàng xanh
13:00, 12/05/2021
“Bóng ma” của nền kinh tế xanh
11:00, 22/02/2022
ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Xây dựng nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững!
00:11, 01/01/2022
ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Đã đến lúc doanh nghiệp cần xây dựng nền kinh tế xanh
09:18, 31/12/2021
Kinh tế xanh, tiền đề cho phát triển bền vững
14:06, 17/12/2021
Giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh bền vững
11:13, 17/12/2021