Mặt bằng lãi vay mới sẽ hình thành
Lãi suất huy động tiếp tục tăng từ đầu tháng 6, khiến nhiều người lo ngại mặt bằng lãi vay mới sẽ hình thành.
>> BIDV chật vật rao bán nợ xấu của nhiều doanh nghiệp thép
BIDV là ngân hàng cổ phần Nhà nước đầu tiên, cũng là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big 4 tăng lãi suất huy động sau 3 năm duy trì một mức lãi suất. Theo đó, BIDV đã tăng 0,1 điểm % lãi suất ở tất cả kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, hiện cố định ở 5,6%/năm... Đối với khách hàng "VIP", sẽ nhận ưu tiên trên giá trị vay, theo khảo sát của người viết, mức ưu tiên sẽ dành cho giá trị tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên.
Như vậy, BIDV đã đưa mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng lên ngang với Vietcombank, VietinBank – trước đó 2 ngân hàng này có mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao hơn BIDV và Agribank. Hiện chỉ còn Agribank duy trì lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm.
Tuy việc điều chỉnh lãi suất của BIDV đầu tháng 6 có thể chỉ là để “bằng bạn bằng bè” với nhóm Big 4, nhưng sự vào cuộc này của BIDV thu hút sự chú ý lớn. Bởi thông thường, Big 4 là nhóm “đi trước thị trường” – mỗi một động thái điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng này trong quá khứ, theo các chuyên gia, đều thể hiện tính “chỉ báo” cho những biến động điều chỉnh lãi suất điều hành và cho toàn thị trường sau đó.
Nguyên do một phần xuất phát từ việc BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank không chỉ là những tổ chức đang được NHNN kiểm soát chi phối (từ 65%), mà còn là những “ông lớn” chia nhau tới gần nửa thị phần tín dụng trong nền kinh tế. Họ có lợi thế lớn trong huy động vốn, và cả tín dụng trên cả thị trường 1 và 2, đồng thời cũng là những ngân hàng đi đầu điều tiết thị trường tiền tệ, giữ mặt bằng lãi suất…
Đặc biệt trong 2 năm qua, nhóm này đã đi đầu về “hy sinh” lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt COVID-19. Tới đây, nhóm này cũng sẽ đóng vai “trụ cột” chính của triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, một cách tất yếu xuất phát từ thị phần tín dụng họ đang có. Điều đáng chú ý hơn nữa là các nhà băng Big 4 hiện đều mong muốn được NHNN nới room tín dụng.
Vì vậy, giới chuyên môn có cơ sở để dự đoán một mặt bằng lãi suất mới, sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Trên thực tế, đầu tháng 3/2022, triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã đề ra mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, với lạm phát hiện tại đang khá áp lực và có thể vượt qua chỉ tiêu 4% năm nếu giá hàng hóa vẫn tiếp tục tăng cao, mục tiêu giảm lãi suất của NHNN sẽ đầy thách thức.
Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, NHNN và nhiều NHTM, lãi suất cho vay trung, dài hạn dao động từ 7-9%/ năm. Giới chuyên môn dự báo lãi suất này có thể sẽ đẩy tăng thêm đặc biệt với những khoản vay của các lĩnh vực không được khuyến khích, ưu tiên.
Có thể bạn quan tâm