FED dự kiến tiếp tục tăng thêm 50 điểm phần trăm lãi suất cơ bản trong cuộc họp ngày 16/6 tới, có thể sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng tuần tới.
>> FED tăng lãi suất, giá vàng tuần tới sẽ "co giật" mạnh?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã có thời điểm giảm xuống 1.824USD/oz, nhưng sau đó đã tăng lên 1.875USD/oz và đóng cửa tuần ở mức 1.871USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC chỉ đi ngang trong biên độ từ 69,35 – 69,6 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, giá miếng SJC vẫn cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi và giá vàng miếng các thương hiệu khác khoảng 15 triệu đồng/lượng. Câu chuyện chênh lệch giá này đã được chất vấn khá sôi nổi ở kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Nhiều chuyên gia cho rằng, chênh lệch giá vàng lớn như vậy chủ yếu do cơ chế độc quyền vàng miếng SJC.
Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 5 lại tiếp tục tăng lên mức 8,6%- mức cao nhất trong 40 năm qua, cao nhiều so với 8,3% được ghi nhận trong tháng 4, do giá lương thực và năng lượng tăng cao. Chỉ số CPI đã biến động ngược chiều với chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) vốn đã giảm trong tháng 5, khiến nhiều người cho rằng lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh.
Đặc biệt, chỉ số tâm lý tiêu dùng theo khảo sát của Đại học Michigan (Mỹ) đã giảm xuống mức 50,2 điểm- mức thấp nhất trong 50 năm qua. Điều này cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang lo ngại lạm phát Mỹ sẽ còn tăng cao hơn nữa, có thể khiến họ phải tiếp tục thắt chặt chi tiêu, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Mỹ vốn đã suy giảm mạnh trong quý 1/2022 (- 1,4%).
Đây cũng là bài toán khó cho FED tiếp tục thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ. Bởi nếu tăng lãi suất quá mạnh, sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ngược lại, nếu FED tăng lãi suất không đủ mạnh, sẽ khiến lạm phát tăng cao hơn nữa.
Trên thực tế, lạm phát ở Mỹ tăng chủ yếu do chi phí đẩy. Do đó, nếu FED tăng mạnh lãi suất, sẽ làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp vẫn đang chịu áp lực tăng chi phí đầu vào, khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, đồng thời làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, trong khi FED đang tìm cách cải thiện thị trường lao động.
>> Điều gì sẽ xảy ra nếu FED không thể chế ngự lạm phát?
FED sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 16/6 tới. Theo đó, FED dự kiến tăng thêm 50 điểm phần trăm lãi suất lên mức 1,5%. Thậm chí có nhiều chuyên gia dự báo Fed tăng thêm 75 điểm phần trăm lãi suất trong kỳ họp này. Dù FED thực hiện thêm 3- 4 đợt tăng lãi suất trong năm nay, thì lãi suất cơ bản của Mỹ vẫn còn thấp hơn nhiều lần lạm phát. Do đó, các tài sản phi lãi suất như vàng… vẫn sẽ hấp dẫn.
Tuy nhiên, việc FED tăng lãi suất vào tuần tới chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư, khiến họ có thể bán tháo vàng ngay sau quyết định của FED. Do đó, giá vàng tuần tới có thể chịu áp lực điều chỉnh giảm, nhưng không nhiều.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng dù FED tăng lãi suất, chưa thể giúp lãi suất thực dương, nhưng cũng sẽ tác động tiêu cực tức thì đến giá vàng tuần tới. Theo đó, giá vàng tuần tới có thể giảm xuống vùng 1.820USD/oz ngay sau khi FED tăng lãi suất. Nếu giá vàng tuần tới trụ vững trên vùng này, thì sẽ sớm phục hồi trở lại. Ngược lại, nếu giá vàng tuần tới phá vỡ 1.820USD/oz, thì có thể giảm xuống vùng 1.780USD/oz, sau đó tăng trở lại.
Ngoài cuộc họp của FED vào ngày 16/6, thị trường vàng tuần tới sẽ đón nhận một số thông tin quan trọng khác, như chỉ số giá sản xuất (PPI), doanh số bán lẻ của Mỹ. Nếu PPI tăng mạnh, sẽ làm gia tăng kỳ vọng FED tăng lãi suất và ngược lại. Còn nếu chỉ số bán lẻ giảm mạnh hơn dự kiến, phù hợp với chỉ số tâm lý tiêu dùng của Đại học Michigan, thì có thể sẽ khiến FED phải thận trọng tăng lãi suất trong kỳ họp sắp tới. Điều này đương nhiên sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng tuần tới.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Donbass “nóng bỏng”, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
05:15, 22/05/2022
Giá vàng sẽ ở đâu trong 5 năm tới?
04:40, 11/05/2022
Nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
05:30, 08/05/2022
FED “mạnh miệng” tăng lãi suất, giá vàng tuần tới còn giảm tiếp?
05:30, 24/04/2022
Lạm phát tăng nóng, giá vàng tuần tới sẽ thế nào?
05:30, 10/04/2022