Cơ hội cho ngân hàng số ở Việt Nam (kỳ 1): Xu thế tất yếu của kinh tế số
Trong nền kinh tế số, sự xuất hiện của các ngân hàng số trong lĩnh vực ngân hàng đang tạo ra một làn sóng mới trong phương thức cung cấp các dịch vụ ngân hàng...
>>> 5 yếu tố để TP.HCM phát triển kinh tế số
Các dịch vụ này có chi phí rẻ và thời gian ngắn, cạnh tranh sòng phẳng với các ngân hàng truyền thống, là động lực thúc đẩy đổi mới trong toàn bộ hệ thống tài chính.
Ngân hàng số được tiếp cận nhiều góc độ
Ngân hàng số là một thuật ngữ không mới. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thì khái niệm này cũng liên tục thay đổi và hay bị hiểu nhầm với nhiều khái niệm khác như “ngân hàng tự động”, “ngân hàng trực tuyến” hay “ngân hàng điện tử”. Khái niệm ngân hàng số được tiếp cận dưới nhiều góc độ, từ người quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, người chủ ngân hàng, tới các nhà kinh tế và cả khách hàng.
Một số quốc gia đã luật hóa khái niệm ngân hàng số như trong Khuôn khổ giám sát ngân hàng của Ngân hàng Trung ương Philippines định nghĩa “Ngân hàng số cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính từ đầu tới cuối thông qua một nền tảng số hoặc/và các kênh điện tử mà không có chi nhánh/ đại lý vật lý”; hay như Ngân hàng trung ương Singapore đề cập đến khái niệm “ngân hàng số hoàn toàn” và “ngân hàng số bán buôn” là những tổ chức cung cấp các dịch vụ ngân hàng như nhận tiền gửi, cho vay và đầu tư thông qua nền tảng trực tuyến.
Một số quan điểm cho rằng ngân hàng số xét về cốt lõi là ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động ngân hàng hay ngân hàng số về cơ bản có nghĩa là một "nền tảng ngân hàng trực tuyến" (online banking platform) hoặc "nền tảng ngân hàng di động" (mobile banking platform).
Có quan điểm chặt chẽ hơn khi cho rằng ngân hàng số là khái niệm mới của ngân hàng điện tử nhằm đa dạng hóa các sản phẩm ngân hàng trực tuyến và di động thông qua việc sử dụng các công nghệ kĩ thuật số, các tương tác truyền thông xã hội, các giải pháp thanh toán sáng tạo, công nghệ di động và tập trung vào trải nghiệm mới của người dùng.
>>> Xu hướng thay đổi và giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái ngân hàng số
Khó có thể cho rằng định nghĩa nào là hoàn toàn đúng, nhưng có thể nói một cách ngắn gọn rằng ngân hàng số là tổ chức được cấp phép cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như nhận tiền gửi, cho vay, đầu tư hoàn toàn thông qua các nền tảng số. Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa ngân hàng số và ngân hàng truyền thống là cùng các sản phẩm, dịch vụ tài chính đó, thì ngân hàng truyền thống thực hiện cung cấp thông qua các kênh truyền thống như các đại lý, các tư vấn, giao dịch viên hay tổng đài, còn ngân hàng số thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số.
Nhiều quan điểm cho rằng ngân hàng số chỉ đơn thuần là cung cấp các dịch vụ, sản phẩm tài chính trên nền tảng di động (mobile platform) hoặc nền tảng dịch vụ trực tuyến (online platform). Tuy nhiên, nếu xét trên khía cạnh đó thì có nghĩa là đã bỏ qua các lĩnh vực chức năng khác được số hóa của ngân hàng. Ngân hàng số là việc chuyển đổi từ cách nhìn nhận khách hàng dựa trên tài khoản (account-based view) sang nhìn nhận khách hàng là một cá nhân riêng biệt (individuals), đồng thời nhấn mạnh trải nghiệm khách hàng (customer experience) với các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa phù hợp và tiện lợi (personalized products and services). Nền tảng trực tuyến hoặc nền tảng di động chỉ là giao diện, thông qua đó người dùng giao tiếp với ngân hàng số. Ngoài ra, còn vô số các quy trình, thủ tục, nghiệp vụ như quản lý rủi ro, quan hệ ngân hàng đại lý, điều chuyển ngân quỹ, quản lý dữ liệu khách hàng, các báo cáo cơ quản quản lý … ở các cấp độ trung gian, hỗ trợ cho việc kinh doanh của ngân hàng không bị gián đoạn và đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với các ngân hàng số thì các quy trình, nghiệp vụ nói trên cũng phải được xử lý hoàn toàn trên nền tảng số với ưu việt về tốc độ xử lý, tính chính xác và khả năng đáp ứng nhu cầu theo thời gian thực, xuyên biên giới của khách hàng so với các ngân hàng truyền thống.
Các phương thức hoạt động của ngân hàng số
Ngân hàng số có các phương thức hoạt động như: ngân hàng số bán lẻ với đầy đủ các dịch vụ thông qua các kênh kỹ thuật số; ngân hàng số dịch vụ (banking as a service, là mô hình tích hợp trực tiếp các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số của họ vào các sản phẩm của các doanh nghiệp phi ngân hàng khác; ngân hàng số nền tảng (banking as a platform) là một nền tảng cho phép tích hợp các sản phẩm, dịch vụ khác, chủ yếu là của các fintech nhằm cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn về sản phẩm hơn trong cùng một tài khoản ngân hàng.
Ngân hàng số có 4 đặc điểm nổi bật là: (1) Cấu trúc số khi mọi hoạt động chính của ngân hàng số được thực hiện trên các nền tảng số; (2) Vận hành trên nền tảng thông tin với dữ liệu là nguồn lực đầu vào quan trọng nhất; (3) Ngân hàng chủ động đưa ra các giải pháp về tài chính cho khách hàng dựa trên tình hình tài chính của khách hàng nhờ công nghệ Internet vạn vật (Internet of things), dữ liệu lớn (Big data) hay trí tuệ nhân tạo (AI); và (4) Khách hàng là trung tâm khi biến ngân hàng số trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của khách hàng.
Ngân hàng số có vai trò: (1) Thúc đẩy tài chính toàn diện, mang dịch vụ tài chính tới những khu vực khách hàng không đủ điều kiện hoặc không có khả năng tiếp cận với các ngân hàng truyền thống khi khoảng cách địa lý đã bị xóa bỏ và với việc mạng internet hầu như đã phủ sóng khắp nơi; và (2) Thúc đẩy sự phát triển của ngành ngân hàng trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ và sự xuất hiện đầy thách thức của các công ty fintech.
Số hóa hoạt động ngân hàng là việc tích hợp công nghệ vào mọi cấp độ hoạt động ngân hàng, số hóa các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động, thông minh, vận hành, cung ứng sản phẩm - dịch vụ trên nền tảng số, khai thác tối ưu dữ liệu để gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng. Số hóa các hoạt động ngân hàng không làm thay đổi về bản chất các sản phẩm, dịch vụ đó. Ngân hàng số không phải một dạng phiên bản nâng cấp hay là một hình thái cao cấp của ngân hàng truyền thống sau khi thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn do vẫn hoạt động dựa trên nền tảng các chi nhánh vật lý, các quy trình, chứng từ truyền thống. Những tiếp xúc vật lý của khách hàng với ngân hàng vẫn không tránh khỏi.
Trong khi đó, ngân hàng số vận hành hoàn toàn trên nền tảng công nghệ và những tiếp xúc vật lý duy nhất là tương tác của khách hàng với các giao diện số và phần còn lại được xử lý bởi công nghệ.
Kỳ 2: Nắm bắt để phát triển ra sao?
(* Nhóm tác giả: Nguyễn Đức Kiên, Dương Quốc Anh, Đào Minh Thắng, Trần Văn)
Có thể bạn quan tâm
Xu hướng thay đổi và giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái ngân hàng số
05:30, 08/08/2022
Nền kinh tế API và xu hướng ngân hàng số tại doanh nghiệp
16:00, 16/06/2022
Omni BIDV iBank – Trải nghiệm ngân hàng số vượt trội cho khách hàng tổ chức
10:23, 16/06/2022
Techcombank ra mắt ngân hàng số dành cho doanh nghiệp
15:42, 07/06/2022