Đạt đến mô hình giao dịch tương lai mà ở đó “ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ đến khách hàng ở mọi nơi chứ không chỉ ở ngân hàng”, là mục tiêu ngân hàng và cần sự kết nối tham gia API của doanh nghiệp...
>> Số hóa dịch vụ ngân hàng với định danh eKYC sắp gặp khó?
Chuyển đổi số đã và đang trở thành nhu cầu thiết thân, động lực tăng trưởng của mọi tổ chức trong kỷ nguyên kinh tế số, chứ không chỉ mới dừng ở mức độ bắt đầu như một trào lưu hoặc lớn hơn, một xu hướng.
Tại Việt Nam, số hóa trong lĩnh vực tài chính ngày càng được các tổ chức chú trọng đầu tư. Vào tháng 6/ 2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia nêu trên, Chính phủ đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động số hóa, công nhận các giao dịch điện tử nhằm hỗ trợ công tác quản lý và vận hành tại doanh nghiệp theo hướng tiết kiệm hơn, nhanh hơn, thuận tiện hơn và an toàn hơn.
Một số kết quả thực tế có thể kể đến như hệ thống nộp thuế điện tử, kê khai hải quan điện tử, cổng thông tin quốc gia, số hoá hoạt động dịch vụ công trên khắp các tỉnh thành và gần đây nhất, hệ thống quản lý và phát hành hóa đơn thuế điện tử sẽ đưa vào áp dụng bắt buộc từ ngày 1/7/2022.
“Là một định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận thức sâu sắc sức ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, làn sóng chuyển đổi số trên toàn cầu cũng như xác định trọng trách, nhiệm vụ của ngân hàng tiên phong, đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình chuyển dịch số.
Vì vậy, trong thời gian qua, BIDV đã tập trung đầu tư rất nhiều cho các sản phẩm ngân hàng số dành cho cả khách hàng tổ chức và cá nhân, ngày 11/6/2022 vừa qua BIDV vừa cho ra mắt chính thức hệ thống Omni BIDV iBank – hệ thống ngân hàng số hoàn toàn mới trên nền tảng hợp kênh dành cho khách hàng tổ chức với rất nhiều tính năng, sản phẩm ưu việt, được ứng dụng các công nghệ 4.0 mới nhất hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi hiểu rằng để chuyển đổi số thành công, cần thiết phải có sự đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu số, kết nối đồng bộ giữa các hệ thống vận hành trong và ngoài doanh nghiệp”, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết.
Tại hội thảo được tổ chức ngày 16/06/2022 tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm cung cấp thông tin về các vấn đề xung quanh hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp, ông Long cũng cho biết thời gian qua BIDV đã triển khai nhiềm sản phẩm ngân hàng số của BIDV như hệ thống Omni BIDV iBank, giải pháp BIDV- ERP Connection, các tiện ích tính năng trên nền tảng FAST Business Online và dịch vụ tích hợp BIDV iBank trên phần mềm của FAST.
Đáng chú ý, với dịch vụ BIDV-ERP Connection, giúp trải nghiệm của khách hàng được liền mạch, giao dịch ngân hàng được xử lý ngay trên phần mềm quản lý tài chính của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp được cung cấp các dịch vụ như: tra cứu, cung cấp thông tin tài khoản (tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, tiền vay, bảo lãnh); thực hiện các lệnh chuyển tiền, chi trả lương, các khoản thanh toán cho nhà cung cấp, kiểm tra trạng thái giấy báo nợ, nộp Ngân sách nhà nước,...
“Với dịch vụ này giúp kế toán viên có thể thao tác thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí tác nghiệp, đảm bảo an toàn bảo mật do không phải thực hiện qua 2 bước riêng biệt trên 2 hệ thống BIDV và FAST; với chủ tài khoản có thể thực hiện lựa chọn hình thức phê duyệt ngay trên phần mềm quản lý nội bộ của doanh nghiệp hoặc trên hệ thống của BIDV với cả 2 nền tảng Web và Mobile App.
Trong thời gian tới, BIDV tiếp tục bổ sung các dịch vụ để hoàn thiện hệ sinh thái số doanh nghiệp bao gồm: Tiền gửi có kỳ hạn; Mua bán ngoại tệ; Tài trợ thương mại; Chuyển tiền quốc tế; Gửi đề nghị giải ngân ngay trên nền tảng của doanh nghiệp”, ông Long nói.
Có dịch vụ, đáp ứng điều kiện cứng về một phần mềm quản lý được kết nối thông suốt với hệ thống ngân hàng là giải pháp tài chính tối ưu giúp doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động quản lý tài chính và phần mềm quản lý doanh nghiệp (ERP) đã trở thành một phần không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp, nhưng từ tư duy, mong muốn chuyển đổi số đến triển khai chuyển đổi số thành công là cả một quá trình.
Đại diện của FAST cho biết một trong những băn khoăn đầu tiên của doanh nghiệp là vấn đề bảo mật. Tuy nhiên, theo FAST, bảo mật vốn dĩ là yếu tố hàng đầu đảm bảo trong ngân hàng do đó các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, kết nối API với ngân hàng, thì dữ liệu tất nhiên cũng bảo mật.
Trao đổi với DĐDN, ông Phí Anh Tuấn – Trưởng ban Tư vấn Doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số DX Center TP.HCM… cho biết, rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp chưa hiểu hết, nắm bắt hết được bản chất của số hóa.
Có rất nhiều yếu tố, điều kiện trong một quá trình chuyển đổi số và kết nối API của doanh nghiệp. Trong đó, lưu ý 2 yếu tố tiên quyết là: Chọn nền tảng tích hợp tương thích; Chia các giai đoạn kết nối. Nếu doanh nghiệp lựa chọn kết nối một lúc, tổng thể tất cả các dữ liệu, khả năng sai sót cao hơn.
Ông Trần Long - PTGĐ BIDV
“Chẳng hạn như một trong những rào cản là doanh nghiệp phải hiểu được lợi ích thực sự và cách thức khi tiếp cận dịch vụ ngân hàng qua kiết nối API của ngân hàng, hai là khi hiểu được rồi thì thực tế khả năng nối với hệ thống quản trị của họ đang ra sao. Trên thực tế việc kết nối API của ngân hàng dến doanh nghiệp có giá trị tăng tiện ích, tăng năng suất lao động, giảm sai sót trong giao dịch của doanh nghiệp… nên không khó khăn so với các lĩnh vực khác”.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng mặc dù không cung cấp số liệu cụ thể cho thấy mức độ sẵn sàng chuyển đổi và kết nối số qua hệ sinh thái mở API với ngân hàng, nhưng nền kinh tế API hiện nay và tương lai chắc chắn sẽ là mô hình kết nối, tích hợp các ứng dụng lại với nhau, với tốc độ tăng tốc ngày càng mạnh mẽ, qua đó giúp tăng tốc số hóa và tăng lợi ích cho doanh nghiệp.
“Tôi cho rằng mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp đặc biệt trong kết nối với ngân hàng rất cao. Đã và đang có sự tiếp cận, cải thiện tốt so với trước đây, chủ yếu từ các nguyên nhân: Thứ nhất, sự truyền thông về số hóa từ Chính phủ và các tổ chức, ngân hàng tích cực. Việc truyền thông thường xuyên, lặp đi lặp lại rõ ràng cũng đã giúp doanh nghiệp thay đổi nhận thức về chuyển đổi số; Thứ 2, do COVID-19. Việc thuyết phục doanh nghiệp chuyển đổi số đỡ mất thời gian, doanh nghiệp nhận thấy có chuyển đổi số thì bớt khó khăn hơn, đặc biệt trong 2 năm đại dịch vừa qua, do đó họ cũng sẵn sàng hơn với chuyển đổi số”, ông Tuấn nói.
Có thể bạn quan tâm
Omni BIDV iBank – Trải nghiệm ngân hàng số vượt trội cho khách hàng tổ chức
10:23, 16/06/2022
BIDV chật vật rao bán nợ xấu của nhiều doanh nghiệp thép
05:00, 12/06/2022
TPBank và BIDV ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện
09:43, 01/06/2022
BIDV phát mãi hàng loạt tài sản đảm bảo, nhiều khoản nợ khó tìm chủ mới
04:30, 31/05/2022