Linh hoạt hạn mức tín dụng
Nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN cần linh hoạt hạn mức room tín dụng; nếu không, nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ bỏ lỡ cơ hội phục hồi.
>>> “Giải cơn khát vốn” cho doanh nghiệp
Nếu NHNN không nới room tín dụng, thì ngay cả chương trình cấp bù lãi suất 2% cũng khó được đẩy nhanh giải ngân.
Xoay xở chờ nới room
Việc “đóng chắn” hạn mức tín dụng của các ngân hàng đã cận room cho vay, khiến bài toán kinh doanh gần như “bí lối”.
Theo Phó Tổng Giám đốc ABBank Nguyễn Thị Hương cho biết, đến hết tháng 6/2022, ngân hàng đã sử dụng 99% hạn mức tín dụng. “ABBank cũng như nhiều ngân hàng có thu nhập lãi thuần đóng góp lớn cho lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay, do đó nếu bị hạn chế không cho vay thêm, sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận…”, bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ.
Ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt, cho biết trong khi ngóng room, ngân hàng chọn giải pháp phân bổ đều nguồn vốn khi các doanh nghiệp trả nợ, để tiếp tục duy trì cho vay những khoản cần kíp, cho vay khách hàng có hiệu quả, tuy tỷ lệ này không được nhiều. Trên cơ sở đó cũng tạo điều kiện cho các chi nhánh, phòng giao dịch có động lực thúc đẩy tăng doanh thu từ sản phẩm dịch vụ, tăng thu nhập ngoài lãi một cách đều đặn, không tạo ra cơ chế cạnh tranh thiếu lành mạnh ngay trong hệ thống.
Cần sớm nới room
Tuy nhiên, dịch chuyển cơ cấu thu nhập phụ thuộc lãi sang ngoài lãi không thể một sớm một chiều. Tổng Giám đốc một ngân hàng có hội sở ở Hà Nội chia sẻ, nếu NHNN không linh hoạt cấp tín dụng ngay trong tuần này thì trong cả quý 2 và 3, các ngân hàng đã bỏ lỡ thời cơ triển khai gói hỗ trợ cấp bù lãi suất hiệu quả nhất. Thiệt hại không chỉ là thu nhập của ngân hàng mà lớn hơn là cơ hội của doanh nghiệp.
“Hiện nay là lúc doanh nghiệp cần đòn bẩy để tăng tốc phục hồi và chạy đua ở quý cuối năm, không nên quá lạc quan vì các dự báo triển vọng tăng trưởng của chúng ta năm nay đã đột phá mà bỏ quên thời cơ này. Cần lưu ý tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ về đích cuối năm, khoảng 8% dựa trên nền tăng trưởng rất thấp của năm cũ”, ông này nhấn mạnh.
Quan điểm này tương đồng với khuyến nghị của TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia tại Diễn đàn có chủ đề “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới” do DĐDN tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, là: “Không bổ sung hạn mức tín dụng sớm thì khó có thể triển khai chương trình phục hồi kinh tế, xã hội hiệu quả”.
Có thể bạn quan tâm