Cần sớm nới thêm room tín dụng
Dù NHNN vừa nới room tín dụng cho một số ngân hàng, song nhiều chuyên gia cho rằng NHNN cần sớm nới thêm room tín dụng để các ngân hàng đáp ứng nhu cầu tín dụng phục hồi kinh tế.
>>>Nới hạn mức tín dụng cho ngân hàng: Đa dạng lãi suất, kiểm soát rủi ro
Đề xuất trên của nhiều chuyên gia được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang kiểm soát khá tốt lạm phát.
Dè dặt cho vay
NHNN Việt Nam vừa nới room tín dụng cho khoảng 14- 15 ngân hàng với mức tăng từ 1% tới 4%. Trong đợt điều chỉnh room tín dụng lần này, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ tương đương khoảng 2%. Trong khi tính đến cuối tháng 8, tín dụng tăng 9,91%. Với định hướng 14% thì 4 tháng cuối năm tín dụng còn được tăng thêm khoảng 4,1% nữa. Như vậy, dư địa nới thêm room tín dụng vẫn còn 2,1%.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh room tín dụng dè dặt như vậy chưa thể giải cơn khát vốn của doanh nghiệp hiện nay, và ngay cả các ngân hàng đã được nới room cũng rất dè dặt cho vay.
Theo phản ánh của một số lãnh đạo ngân hàng, giải pháp từ nay đến cuối năm của họ là đẩy mạnh thu hồi nợ để có thêm dư địa cho vay mới. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng. Vì vậy, giải pháp tối ưu là đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn bằng cách hạn chế cho vay trung– dài hạn.
>>>Ngân hàng phân bổ vốn ra sao sau nới room tín dụng?
Đừng quá thận trọng
Theo các chuyên gia, sở dĩ NHNN vẫn tỏ ra rất thận trọng trong việc nới room tín dụng là do lo ngại lạm phát. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, như TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không nên quá lo ngại lạm phát mà bóp nghẹt thị trường. Bởi khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì chúng ta đã kiểm soát được lạm phát, đó là một cơ hội rất tốt”.
Như đã phân tích ở trên thì hiện NHNN vẫn chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng 14%, có nghĩa vẫn còn dư địa để nới thêm room tín dụng. Theo các chuyên gia, NHNN cần sớm phân bổ thêm hạn mức tín dụng để các nhà băng chủ động trong kế hoạch cho vay cũng như đáp ứng nhu cầu tín dụng phục hồi kinh tế hiện nay. Ngoài ra, việc nới room tín dụng cũng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Thậm chí, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng lạm phát tại Việt Nam chủ yếu do chi phí đẩy (chủ yếu do nhập khẩu lạm phát), chứ không phải do cầu kéo, nên không thể dùng chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở Việt Nam mà phải dùng chính sách thuế. Khi giảm được lạm phát chi phí đẩy, có thể nới thêm room tín dụng. “Tín dụng Việt Nam năm nay ở mức 15 - 16% là có thể chấp nhận được”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm