Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị bổ sung quy định pháp luật về ưu đãi tín dụng, ưu đãi đầu tư nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đường thủy.
>>HBA kiến nghị cải thiện môi trường đầu tư tại TP. HCM
Theo đó, tại văn bản gửi Bộ GTVT góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về ưu đãi tín dụng, ưu đãi đầu tư nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đường thủy.
Cụ thể, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị bổ sung danh mục lĩnh vực đóng mới, hoán cải đối với phương tiện thủy nội địa để được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Theo Cục Đường thủy, Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 xác định một trong số các nhiệm vụ trọng tâm: “Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ”.
Đồng thời, việc vận tải hàng hóa do đường bộ hiện đảm nhận vẫn ở mức cao dẫn đến luôn quá tải cho kết cấu hạ tầng đường bộ, gia tăng kinh phí bảo trì, tốn kém nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường và gây ATGT. Trong khi việc vận tải hàng hóa do đường thủy nội địa đảm nhận sẽ khắc phục cơ bản được những nhược điểm này. Đặc biệt giảm phát thải khí thải ra môi trường thấp hơn 4-5 lần so với đường bộ, giảm bình quân khoảng từ 10% đến 30% chi phí logistics...
Do đó, cần thiết bổ sung lĩnh vực đóng mới, hoán cải phương tiện đường thủy được hưởng ưu đãi tín dụng nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phương tiện.
>>VAA kiến nghị miễn thuế xuất khẩu với nhôm dạng thanh, que
Về đầu tư cảng, bến, Cục Đường thủy đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ, Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 6/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Cục Đường thủy cho biết, lý do đề nghị là do hoạt động đầu tư cảng, bến thủy nội địa để đón tàu, phương tiện thủy nội địa có trọng tải đến 20.000 tấn ra, vào làm hàng cần khoảng 300 tỷ đồng (không tính giá trị bất động sản). Tuy nhiên, Điểm 3, Mục III, Nhóm A, Phụ lục II ban hành theo Nghị định 31 có quy định lĩnh vực vận tải và cảng thủy nội địa là nhóm ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, nhưng số vốn đầu tư được hưởng ưu đãi từ 3.000 tỷ đồng trở lên, gấp 10 lần thực tế. Quy định như vậy là chưa phù hợp với thực tế phát triển của ngành đường thủy nội địa.
Cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải, Cục Đường thủy đề nghị miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa.
“Phương tiện, hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa không sử dụng hoặc sử dụng rất hạn chế cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển do địa phương đầu tư và thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng.”, văn bản của Cục Đường thủy nêu rõ lý do.
Có thể bạn quan tâm