Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu việc tăng lãi suất điều hành

L.MỸ 22/09/2022 11:07

Ngay sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, huy động nhưng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

>>> Fed chính thức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản

Trong đêm hôm qua 21/9 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức họp báo công bố kết quả kỳ họp của Ủy ban Thị trường Liên bang (FOMC) với kết quả không ngoài dự đoán của giới chuyên môn: Fed quyết định chính thức tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây là lần thứ ba liên tiếp trong năm nay Fed duy trì mức tăng lãi suất này và người đứng đầu cũng cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm. Quyết định của Fed được đánh giá sẽ tác động không chỉ những nền kinh tế lớn mà bao gồm cả các nền kinh tế khác, đặc biệt những quốc gia có nền kinh tế mở.

Thủ tướng yêu cầu NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, huy động nhưng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu.br class=

Thủ tướng yêu cầu NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, huy động nhưng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngay trong sáng ngày 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ. Thủ tướng đánh giá tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Ở hầu hết quốc gia, tăng trưởng có xu hướng giảm, lạm phát có xu hướng tăng cao, nhiều ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất.

Thủ tướng yêu cầu NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, huy động nhưng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu.

Việc các nước tăng lãi suất ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác về nợ công, xuất khẩu và tỷ lệ thất nghiệp.

Nền kinh tế Việt Nam có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn. Do đó, một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn tới tình hình trong nước.

Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh đó, "dứt khoát không hoang mang, dao động; cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác". Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.

Về định hướng chính sách, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần phải thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2% và công tác truyền thông.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ngoài nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước cần giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.

Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh đồng tiền của nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. 

Theo ghi nhận đến cuối tháng 8/2022, VND ước mất giá khoảng 2,8%. 

Thống đốc cho rằng, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát.

Bà khẳng định "trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định", mà "theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình".

Theo ghi nhận, lần gần nhất Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ lãi suất điều hành, điều chỉnh trần lãi suất huy động và lãi vay ngắn hạn là vào vào 30/9/2020. Việc điều chỉnh giảm loạt lãi suất điều hành thời điểm đó là nhằm tháo gỡ khó khăn do Covid-19. Theo đó, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và giảm mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Tại phiên họp Chính phủ 22/9, các cơ quan Bộ ngành cũng được Thủ tướng đặt ra các yêu cầu cụ thể trong bối cảnh mới:

Về phía Bộ Tài chính, Thủ tướng đề nghị tiếp tục chỉ đạo, rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; tăng thu, giảm chi, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên.

Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả.

Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đề nghị theo dõi, nắm sát tình hình, phản ứng kịp thời chính sách, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công thuộc chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời góp phần thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước.

Bên cạnh đó, phải bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng và thông tin; làm tốt công tác quy hoạch; rà soát hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh cơ cấu lại phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Bộ Công Thương chủ trì thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, mở rộng quốc tế, thúc đẩy cả cung và cầu; đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bảo đảm tuyệt đối an ninh năng lượng, không được để thiếu xăng, dầu.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải chủ trì phát triển thị trường lao động bền vững, an toàn, hiệu quả; bảo đảm đủ lao động, không để thiếu lao động, làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Vàng giảm giá mạnh sau khi FED tăng lãi suất

    Vàng giảm giá mạnh sau khi FED tăng lãi suất

    13:00, 22/09/2022

  • Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng FED tăng lãi suất quá mức

    Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng FED tăng lãi suất quá mức

    04:30, 18/09/2022

  • Lo ngại FED tăng lãi suất, vàng tiếp đà giảm giá

    Lo ngại FED tăng lãi suất, vàng tiếp đà giảm giá

    15:30, 19/09/2022

  • Gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ‘cơn khát vốn’ cho doanh nghiệp

    Gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ‘cơn khát vốn’ cho doanh nghiệp

    12:00, 13/09/2022

L.MỸ