Nếu FED tăng lãi suất cao hơn mức dự kiến 0,75% trong tuần tới, thì sẽ dội thêm “gáo nước lạnh” xuống giá vàng tuần tới.
>> FED có thể cắt giảm lãi suất từ quý 2/2023?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã có cú “trượt dốc” từ mức 1.735 USD/oz xuống 1.654 USD/oz và đóng cửa ở mức 1.675 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã giảm từ mức 67 triệu đồng/lượng xuống mức 66,65 triệu đồng/lượng với giao dịch khá trầm lắng.
Sở dĩ giá vàng sụt giảm trong tuần này do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù CPI tháng 8 của Mỹ tăng cao hơn mức dự kiến 8,1%, nhưng lại giảm so với mức 8,5% trong tháng 7 và 9,1% trong tháng 6. Như vậy, lạm phát CPI của Mỹ đang trên đà “hạ nhiệt”, nhưng vẫn ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.
CPI sụt giảm tháng thứ 2 liên tiếp do giá xăng dầu tại Mỹ đã và đang giảm mạnh. Trong tháng 8, giá năng lượng tại Mỹ tiếp tục giảm 5%, trong đó giá xăng dầu giảm tới 10,6%. Tuy nhiên, giá lương thực lại 0,8%; chi phí thuê nhà tăng 0,7%; giá dịch vụ chăm sóc y tế cũng tăng tới 0,8%... đã khiến CPI tháng 8 giảm nhẹ hơn so với dự kiến.
Với lạm phát vẫn còn cao, trong khi doanh số bán lẻ tháng 8 vẫn tăng 0,3%, thị trường lao động Mỹ dù suy giảm nhẹ, nhưng vẫn khá ổn định, FED có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75% trong tuần tới.
Nếu FED tăng lãi suất thêm 0,75% trong tuần tới, thì cũng không khiến giá vàng giảm quá mạnh, vì mức tăng lãi suất này gần như đã phản ánh vào giá vàng trong tuần này. Tuy nhiên, nếu FED “mạnh miệng” tuyên bố sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất sau cuộc họp tháng 9, hoặc tăng lãi suất quá mức dự kiến, có nghĩa thêm 1% trong cuộc họp tháng 9, sẽ là đòn giáng mạnh tiếp theo vào giá vàng tuần tới.
>> Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng áp lực bán tháo
Còn nhớ trước đây, FED đặt mục tiêu đưa CPI về mức 4,3% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, với tốc độ giảm lạm phát khá chậm do giá dịch vụ chăm sóc y tế, chi phí thuê nhà, giá lượng thực có xu hướng tăng, FED có thể sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 9. Mức độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào số liệu kinh tế được công bố trong thời gian tới. Bởi vì xét về mặt kỹ thuật, kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái (GDP quý 1 giảm 1,6% và GDP quý 2 giảm 0,9%).
Hơn nữa, việc đảo ngược đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng là điều mà FED sẽ phải cẩn trọng, vì tín hiệu này thường cảnh báo đợt suy thoái kinh tế Mỹ sẽ diễn ra. Cụ thể, lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 3,46%, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm tăng vọt lên 3,88%. Theo đó, chênh lệch lợi suất hiện đã âm 42 điểm cơ bản, mức cao nhất trong một tháng qua.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối, cũng cho rằng lạm phát còn cao, nên FED sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 9, nhưng mức độ tăng lãi suất sẽ giảm dần. Bởi lạm phát của Mỹ tăng mạnh chủ yếu do chi phí đẩy, nên nếu FED càng tăng mạnh lãi suất, sẽ càng đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sâu hơn. “Dù FED giảm tốc tăng lãi suất hay không, thì giá vàng chưa thể tăng mạnh trở lại trong ngắn hạn, vì nhu cầu vàng vật chất đang ở mức thấp”, ông Colin nhận định.
Xét về mặt kỹ thuật, giá vàng phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.670 USD/oz là tín hiệu tiêu cực. Bởi đây là mức hỗ trợ mà giá vàng đã 4 lần không thể phá vỡ kể từ tháng 3/2021. Giá vàng tuần tới sẽ đối mặt với mức hỗ trợ tiếp theo tại 1.640 USD/oz (MA50 trên biểu đồ tháng). Nếu mức này được duy trì, thì giá vàng tuần tới sẽ phục hồi trở lại. Đây là khả năng được đánh giá cao xét về mặt kỹ thuật, vì một số chỉ số đã cho thấy giá vàng chạm vùng vượt bán. Hơn nữa, chỉ số Stochastic đã có tín hiệu cắt nhau ở điểm vượt bán. Tuy nhiên, nếu giá vàng tuần tới phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.640 USD/oz, thì giá vàng có thể tiếp cận vùng 1.600 USD/oz, hoặc xa hơn nữa là 1.550- 1.580 USD/oz.
Có thể bạn quan tâm