Giá vàng quốc tế đã giảm tới gần 4% trong tuần này do các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo. Giá vàng tuần tới còn chịu sức ép điều chỉnh tiếp?
>> Ấn Độ tăng mạnh thuế nhập khẩu vàng, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã giảm mạnh từ mức 1.814 USD/oz xuống mức 1.732 USD/oz và đóng cửa ở mức 1.742 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá bán vàng miếng SJC cũng đã giảm từ mức 68,8 triệu đồng/lượng xuống 68,25 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn còn cao hơn khá nhiều so với giá vàng quốc tế quy đổi. Lượng giao dịch vàng vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc một phần do chênh lệch giá lớn.
Giá vàng quốc tế giảm mạnh trong một số phiên giao dịch cuối tuần này do một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) tháng 6 của Mỹ đã đạt 372.000 việc làm, cao hơn nhiều so với mức dự kiến 260.000 việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định ở mức thấp 3,6%. Số liệu thị trường lao động Mỹ một mặt đã góp phần xoa dịu bớt lo ngại của các nhà đầu tư về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ, mặt khác làm gia tăng kỳ vọng FED sẽ tiếp tục tăng thêm ít nhất 75 điểm phần trăm lãi suất cơ bản vào cuối tháng này. Điều này đã tiếp tục đẩy USD lên mức cao nhất trong 20 năm và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vượt 3%.
Công cụ FedWatch của CME cho thấy có tới 95,4% khả năng FED sẽ tiếp tục tăng thêm 75 điểm phần trăm lãi suất cơ bản và chỉ khoảng 4,6% khả năng tăng 100 điểm phần trăm lãi suất cơ bản trong tháng 7 này.
Thứ hai, các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại việc Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, quyết định tăng mạnh thuế nhập khẩu vàng từ 7,5% lên 12,5% sẽ làm giảm mạnh nhu cầu vàng vật chất trong bối cảnh nhu cầu vàng vật chất đang ở mùa thấp điểm và Trung Quốc- quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, cũng đang kiên định mục tiêu zero-Covid.
Trên thực tế, ngoài Ấn Độ và Trung Quốc, nhu cầu vàng vật chất đang giảm ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt ở Mỹ. Số liệu vừa được US Mint công bố cho thấy, họ chỉ tiêu thụ được 44.000 ounce vàng (khoảng gần 1,25 tấn vàng) trong tháng 6, giảm tới 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
>> “Bóng ma” suy thoái kinh tế Mỹ tác động thế nào đến giá vàng tuần tới?
Hai yếu tố quan trọng trên có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến giá vàng tuần tới nhưng khó có thể đẩy giá vàng tuần tới giảm sâu, vì nếu giá vàng tuần tới giảm xuống vùng 1.650- 1.700USD/oz, các nhà đầu tư sẽ nhảy vào bắt đáy. Hơn nữa, theo thống kê của nhiều sàn giao dịch vàng lớn trên thế giới, số lượng lệnh đặt chờ mua ở vùng giá này cũng đang rất lớn, có thể giúp đẩy mạnh giá vàng tuần tới phục hồi.
Trong khoảng gần 1 năm trở lại đây, mức giá vàng thấp nhất được thiết lập ở 1.680USD/oz vào tháng 8/2021. Đây cũng là mức giá mà giá vàng đã 3 lần không xuyên thủng trong năm 2021. Và xét về mặt kỹ thuật, các chỉ số RSI, Stochastic… cho thấy giá vàng trên biểu đồ ngày đã nằm sâu trong vùng vượt bán dù giá vàng mới chỉ giảm xuống 1.732USD/oz. Nếu giá vàng tiếp tục giảm xuống dưới 1.700USD/oz, thì mức độ vượt bán sẽ lớn hơn nữa, kể cả trên biểu đồ tuần. Do đó, đây được coi là mức giá hấp dẫn xét trên yếu tố kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu giá vàng giảm xuống dưới 1.650USD/oz, thì cần đánh giá lại xu hướng giá vàng ngắn hạn, vì khi đó thị trường vàng có thể bước vào chu kỳ giảm giá ngắn hạn.
Ông Edward Moya, Chuyên gia phân tích cao cấp của Tập đoàn OANDA, cũng cho rằng giá vàng tuần tới có thể kiểm tra mức 1.700USD/oz, thậm chí là 1.650USD/oz. Tuy nhiên, vùng giá này có thể sẽ là đáy của giá vàng ngắn hạn, vì vùng giá này sẽ hấp dẫn một lượng lớn nhà đầu tư. Trong khi đó, mức 1.770USD/oz sẽ là mức kháng cự quan trọng của giá vàng tuần tới.
Tuần tới, Mỹ sẽ công bố nhiều chỉ số kinh tế quan trọng, như CPI, PPI, doanh số bán lẻ… Trong đó, CPI được chú ý nhất, vì nó sẽ tác động trực tiếp đến quyết định tăng lãi suất sắp tới của FED. Theo dự báo, CPI tháng 6 của Mỹ có thể tiếp tục tăng cao hơn tháng 5 (8,6%), lên mức khoảng 8,7%, hoặc cao hơn nữa. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng tuần tới, vì sẽ làm gia tăng thêm kỳ vọng FED tăng lãi suất.
Có thể bạn quan tâm