TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Hạ lạm phát kỳ vọng
Những yếu tố chi phối đường đi của lạm phát kỳ vọng thời gian tới theo dự đoán dường như đã bắt đầu có tín hiệu rõ ràng hơn.
>>>Tăng lãi suất và trượt giá VND: Doanh nghiệp chịu một phần lớn chi phí tăng
Thanh khoản ngân hàng và...“liệu pháp tâm lý”
Trong 2 tuần qua, qua các biện pháp điều tiết trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã đưa đường “biểu diễn” lãi suất liên ngân hàng về mức thấp.
Cụ thể, nếu nhìn xa về tuần trước, từ ngày 31/10-4/11, NHNN đã bơm ròng lên tới 74 nghìn tỷ đồng thông qua các hoạt động linh hoạt được sử dụng trên thị trường mở nhằm điều tiết trạng thái thanh khoản ở mức phù hợp.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng mạnh lên 6,35%, tức tăng 1,8 điểm % so với tuần trước đó. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần – 1 tháng tăng nhẹ hơn (0,26-0,75 điểm %), dao động từ 7,03% - 7,84%.
Sang đầu tuần này, NHNN tiếp tục bơm tiền cho hệ thống. Riêng trong ngày 8/11, NHNN đã bơm tới 8.700 tỷ đồng trên OMO. Tuy nhiên nhà điều hành song song cũng hút hơn 3.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã hạ nhiệt từ 6,01% ngày 7/11, sang ngày 8/11 áp dụng còn 5,56%. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng giảm về 6,34%, tuy nhiên lãi suất kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng tăng cao tới 8,09% và 9,34%.
Đến cuối tuần ngày 10/11, NHNN đã có động thái tiếp tục duy trì hút ròng gần 20.000 tỷ đồng qua kênh cầm cố. Lãi suất bình quân liên ngân hàng áp dụng qua đêm còn 4,88%. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng hạ nhiệt còn 5,56% và 7%. Doanh số giao dịch vẫn duy trì tập trung ở kỳ hạn qua đêm để đáp ứng nhu cầu vốn thanh toán ngắn hạn của các ngân hàng, nhưng tín hiệu hạ nhiệt thanh khoản hệ thống đã rất rõ ràng.
Theo đó, các dự đoán xoay quanh động thái từ bơm ròng của NHNN (với nghi hoặc mở rộng tiền tệ để đáp ứng cầu vốn cuối năm hay hỗ trợ thanh khoản ngân hàng đang căng), đã được nhận diện.
>>>Tỷ giá chưa dịu, sức ép lạm phát đã gia tăng
Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng NHNN không thể duy trì bơm ròng một chiều kéo dài nếu hệ thống không có khoảng hụt vốn tương ứng. Bên cạnh đó, việc can thiệp của NHNN theo diễn biến trên thị trường chỉ phản ánh nhu cầu cân đối vốn ngắn hạn của hệ thống căng lên.
Theo ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia tài chính, muốn biết NHNN thực sự bơm ròng hay bán ròng thì phải chờ diễn biến ngày cuối của kỳ thống kê, khi số lượng tiền bơm ra lớn hơn hút về hoặc ngược lại.
“Trong bối cảnh hiện nay, trừ khi hệ thống căng và khan thanh khoản kéo dài chúng ta sẽ mới thấy NHNN duy trì trạng thái bơm ròng. Nhưng chắc chắn một điều là nhà điều hành sẽ phải cân đối và linh hoạt trên các kênh. Theo đó, có nhiều “từ khóa” khiến NHNN sẽ phải xem xét các biện pháp điều tiết, mà một trong số đó là “lạm phát”. NHNN đang rất thận trọng với lạm phát và khó có thể đáp ứng kỳ vọng mở rộng cung tiền trong thời điểm này", chuyên gia phân tích.
Các tín hiệu cho lạm phát kỳ vọng
Việt Nam đang duy trì lạm phát ở mức thấp và có khả năng sẽ ở mức 3,5 - 3,8%, theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. ADB cũng dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ ở mức 3,8%. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta đã hoàn toàn có thể “yên tâm” với lạm phát cuối năm và đặc biệt đầu năm tới. Bởi ẩn số giá xăng dầu và chuyện cung cầu xăng dầu của Việt Nam thời gian tới, đang phản ánh khá phức tạp từ hiện tượng hàng loạt cây xăng đóng cửa, người tiêu dùng phải đổ xăng theo kiểu xếp hàng “thời bao cấp” hiện nay; bên cạnh đó là chưa thể dự đoán chính xác xu hướng giá năng lượng của thế giới trong mùa đông năm nay.
Mặt khác, “độ nén” chi phí vào giá của doanh nghiệp thời gian qua rất căng (góp phần giúp CPI giảm), nhưng có khả năng sẽ chuyển vào giá cả đầu 2023, khi doanh nghiệp đã thấm mệt và điều đó sẽ khiến CPI thay đổi.
Một chuyên gia cho rằng đổi lại, có 3 yếu tố đang trở nên tích cực hơn với Việt Nam trong việc giảm áp lực khi điều hành nhằm giữ được các mục tiêu ổn định lạm phát, tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng.
Thứ nhất, đó là việc Việt Nam vừa được đưa ra khỏi danh sách giám sát giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ. NHNN qua đó sẽ thuận lợi trong can thiệp, bảo vệ tỷ giá hối đoái.
Thứ hai, Mỹ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 thấp hơn kỳ vọng. Điều đó dẫn tới kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ chọn mức nâng lãi suất lần cuối trong năm 2022 thấp hơn so với 4 lần mạnh tay liên tiếp vừa qua.
Thứ ba, kết quả bầu cử giữa kỳ của Mỹ với kỳ vọng thắng thế một phần của Đảng Cộng hòa có thể sẽ góp phần cản bước nâng lãi suất mạnh tay của Fed, theo mục tiêu ở 2023.
Các yếu tố này thực sự giúp cho Việt Nam có cơ sở để hạ nhiệt lạm phát kỳ vọng, lãi suất kỳ vọng lẫn tỷ giá kỳ vọng. Một khi lạm phát kỳ vọng giảm, lãi suất kỳ vọng cũng sẽ được điều chỉnh giảm qua đó điều chỉnh các hành vi giao dịch hiện tại và làm mờ vòng lặp kỳ vọng có nguy cơ đẩy lạm phát lên cao.
Dù vậy, theo đánh giá của VCBS, giai đoạn này Việt Nam đang dành sự chú ý nhiều hơn đến các chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến không thuận lợi. Cụ thể là lạm phát kỳ vọng ở mức cao.
Ngoài ra, VCBS cho rằng “Mục tiêu lạm phát trung bình trong năm nay được dự báo sẽ thấp dưới 4% đạt mục tiêu của Quốc hội. Tuy nhiên, trong năm tới, có thể thấy lạm phát kỳ vọng vẫn đang ở mức cao khiến NHNN nhiều khả năng duy trì chính sách tiền tệ thận trọng”.
Có thể bạn quan tâm