BIWASE vay ADB 13 triệu USD để xây dựng nhà máy xử lý chất thải
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương (BIWASE) đã ký khoản vay trị giá 13 triệu USD để tài trợ cho việc xây dựng và vận hành một nhà máy.
>>>ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á
Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương (BIWASE) đã ký khoản vay trị giá 13 triệu USD để tài trợ cho việc xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ bùn thải và một nhà máy chuyển hóa rác thành năng lượng (WTE) ở tỉnh Bình Dương (Việt Nam).
Thông tin từ ADB cho biết khoản tài trợ này bao gồm 7 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB và 6 triệu USD từ Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân Leading Asia (LEAP) do ADB quản lý. Gói tài trợ này cũng bao gồm 7 triệu USD đồng tài trợ song song từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản.
Nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ bùn thải sẽ có công suất xử lý 840 tấn mỗi ngày, trong khi nhà máy WTE sẽ có khả năng xử lý 200 tấn rác thải đô thị và công nghiệp mỗi ngày để tạo ra 5 mê-ga-oát điện năng để sử dụng nội bộ tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương. Sản phẩm đầu ra của nhà máy phân hữu cơ sẽ được bán làm phân bón dùng trong nông nghiệp.
Tổng Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ khu vực tư nhân của ADB, bà Suzanne Gaboury, chia sẻ: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh của Việt Nam đã dẫn tới sự gia tăng đột biến chất thải công nghiệp và đô thị, nhưng nguồn tài chính dài hạn cho các nhà máy xử lý chất thải vẫn là một thách thức. Dự án này đáp ứng nhu cầu cấp thiết về quản lý chất thải hiệu quả ở tỉnh Bình Dương và cung cấp một hình mẫu vững chắc để các bên cho vay thương mại cân nhắc những khoản đầu tư trong tương lai nhằm giúp thành phố trở nên đáng sống hơn và phát triển những phương thức tạo ra nguồn năng lượng tái tạo giúp giải quyết căn nguyên của biến đổi khí hậu”.
Theo ADB, tỉnh Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất ở Việt Nam, nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng này tạo ra một lượng lớn chất thải rắn. Năm 2019, toàn tỉnh Bình Dương phát sinh khoảng 2.661 tấn rác thải mỗi ngày, cao hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu. Các cơ sở sản xuất phân hữu cơ từ bùn thải và chuyến hóa rác thành năng lượng công nghiệp có thể giúp giảm lượng rác thải được đưa tới các bãi chôn lấp đang ngày càng gia tăng.
Ông Ramesh Subramaniam, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB, nhận định: “Sự gia tăng nhanh chóng chất thải đô thị và công nghiệp tại các khu vực phát triển nhanh của Việt Nam đang gây áp lực cho hệ thống quản lý chất thải của quốc gia, và nếu không được kiểm soát có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng. Dự án này hỗ trợ những nỗ lực không ngừng của Việt Nam nhằm cải thiện hệ thống quản lý chất thải nói chung. Dự án sẽ cung cấp một mô hình cho các tỉnh khác ở Việt Nam và các nước xung quanh đang tìm cách giảm thiểu chất thải thông qua các hệ thống xử lý hiện đại và giảm khối lượng rác thải đưa tới bãi chôn lấp.”
Chủ tịch Hội đồng Quản trị của BIWASE, ông Nguyễn Văn Thiện, cũng cho biết: “ADB là đối tác lâu dài của chúng tôi trong hoạt động hỗ trợ các ưu tiên về nước và vệ sinh của Việt Nam, và chúng tôi mong đợi được tiếp tục hợp tác với ADB trong dự án này. Dự án sẽ chứng tỏ với các nhà tài trợ quốc tế và tài trợ thương mại rằng lĩnh vực quản lý chất thải của Việt Nam vừa khả thi vừa hấp dẫn”.
BIWASE được thành lập năm 1975 với danh nghĩa là đơn vị thuộc sở hữu của chính phủ, và là một trong những nhà cung cấp dịch vụ xử lý rác thải công nghiệp lớn nhất cho các khách hàng thương mại và công nghiệp ở Việt Nam. BIWASE là đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn đô thị duy nhất cho tỉnh Bình Dương từ các khâu thu gom, tái chế, xử lý và tiêu hủy cuối cùng.
Trên sàn chứng khoán, BIWASE niêm yết tại HoSE với mã chứng khoán BWE, là một trong những mã cổ phiếu đầu ngành nước đang được đánh giá cao bởi kết quả kinh doanh tích cực trong giai đoạn vừa qua. Theo báo cáo sơ bộ, 9 tháng đầu năm BWE ghi nhận tổng doanh thu đạt hơn 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 523 tỷ đồng lần lượt tăng 15% và 6% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, đơn vị đã hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và 70% kế hoạch lợi nhuận.
Trước đó, BWE cũng cho biết trong trong quý 4 này, BWE tiếp tục đàm phán với ADB và Japan International Cooperation Agency (JICA) về khoản vay 20 triệu USD để đầu tư vào nhà máy đốt rác phát điện theo tiêu chuẩn khí thải Nhật Bản. Tại mảng này, kỳ vọng sẽ giảm giá điện và giúp cải thiện biên lợi nhuận của mảng xử lý nước thải. Như vậy, với khoản vay vừa được ADB cấp, công ty đã đạt được phần nào mục tiêu theo kế hoạch.
ADB thông tin LEAP là quỹ do ADB quản lý với số vốn cam kết lên tới 1,5 tỉ USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản. Được thành lập vào năm 2016, LEAP tập trung vào việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân chất lượng cao và bền vững giúp giảm phát thải các-bon; cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng; và cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục và truyền thông dễ dàng tiếp cận với chi phí phù hợp cho các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB. Các hoạt động cấp vốn cho các doanh nghiệp như BWE của LEAP thuộc ADB, nằm trong khuôn khổ các hoạt động theo cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực.
Có thể bạn quan tâm