Theo ấn bản mới nhất báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ghi nhận hầu hết các thị trường trái phiếu khu vực đều chứng kiến tình trạng rút vốn đầu tư gián tiếp.
>>>Có thể điều chuyển vốn đầu tư công để “cứu” trái phiếu?
Cụ thể, báo cáo của ADB cho biết, việc thắt chặt tiền tệ quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển đã đẩy lãi suất trái phiếu tăng và làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái tài chính ở Đông Á mới nổi.
Các đồng tiền trong khu vực giảm giá so với đồng đô-la Mỹ, chứng khoán sụt giảm và phí bảo hiểm rủi ro tăng trong giai đoạn từ ngày 31 tháng 8 tới ngày 4 tháng 11, theo ấn bản mới nhất của báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á được công bố hôm nay. Hầu hết các thị trường trái phiếu khu vực đều chứng kiến tình trạng rút vốn đầu tư gián tiếp. Lạm phát toàn cầu, tăng trưởng chậm hơn ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và suy thoái kinh tế từ việc Nga đưa quân vào U-crai-na tiếp tục đe dọa những triển vọng ngắn hạn của khu vực.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Các điều kiện tài chính ở Đông Á mới nổi đã suy yếu với tốc độ nhanh hơn trong tháng 9 và tháng 10 so với tám tháng đầu năm 2022, do việc thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Tuy nhiên, cho tới nay, khu vực này về cơ bản vẫn có khả năng chống chịu, bất chấp nhiều yếu tố bất lợi.”
Việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ ở Đông Á mới nổi giảm 1,1% so với quý trước, xuống còn 2,2 nghìn tỉ USD trong Quý 3 trong bối cảnh tâm lý đầu tư ảm đạm. Tổng lượng trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành tăng 2,3% lên 22 nghìn tỉ USD. Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm các nền kinh tế thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Trung Quốc; Hồng Kông, Trung Quốc; và Hàn Quốc.
Tổng lượng phát hành trái phiếu chính phủ giảm 4,5% so với quý trước, trong khi lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 5,7%, chủ yếu là nhờ việc các công ty Trung Quốc tận dụng những biện pháp nới lỏng tiền tệ trong nước. Lãi suất tăng đã dẫn tới mức sụt giảm 2% trong lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở các thị trường ASEAN.
>>>Bán tháo chứng chỉ quỹ gây khó cho nhà đầu tư lẫn các quỹ đầu tư trái phiếu
Thị trường trái phiếu bền vững ở khu vực ASEAN cùng với Trung Quốc; Hồng Kông, Trung Quốc; và Hàn Quốc đã tăng 1,7% lên 521,6 tỉ USD vào cuối tháng 9. Mặc dù tăng trưởng chậm hơn so với quý trước, phân khúc này đã chứng kiến sự cải thiện trong việc đa dạng hóa danh mục thị trường và loại hình trái phiếu.
Sau khi tăng trưởng mạnh trong quý trước, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam đã giảm 0,2% do thị trường trái phiếu sụt giảm và trái phiếu doanh nghiệp tăng chậm hơn. So với cùng kỳ năm trước, thị trường tăng 21,1% lên 97,4 tỷ USD.
Trái phiếu chính phủ giảm 2% do lượng tín phiếu ngân hàng trung ương đang lưu hành giảm 70,3% so với quý trước. Dư nợ trái phiếu chính phủ đạt 67,3 tỷ USD. Tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp giảm 4,1% so với quý trước, đưa phân khúc này lên 30,1 tỷ USD.
Ấn bản mới nhất của báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á nhấn mạnh những lưu ý về hai chủ đề đặc biệt: mối quan hệ giữa hội nhập thương mại khu vực và hội nhập tài chính khu vực, và việc thúc đẩy sự ổn định tài chính và khả năng chống chịu trước các cú sốc thông qua phát triển các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ.
Có thể bạn quan tâm
Vừa mua lại trái phiếu trước hạn, An Gia vừa muốn tìm vốn ngoại
03:18, 24/11/2022
Phát Đạt tất toán trái phiếu trước hạn
11:17, 25/11/2022
Vì sao Angimex xin lùi thời hạn thanh toán lãi trái phiếu?
05:00, 23/11/2022
Giải “nỗi oan” trái phiếu
09:27, 23/11/2022
TÀI CHÍNH CUỐI TUẦN: Dẫn lối phân định trái phiếu xấu, trái phiếu tốt
05:25, 20/11/2022