“Chặn” đua tăng lãi suất
Việc hạ lãi suất huy động đang được xem là một trong những mục tiêu quan trọng của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá đang dần “hạ nhiệt”.
>>>Lựa chọn cổ phiếu phòng thủ ngân hàng nào?
Các ngân hàng đã thống nhất với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam rằng sẽ cố gắng phấn đấu giảm lãi suất huy động, mức cao nhất cũng chỉ 9,5%/năm.
“Cây gậy”
Một chuyên gia cho rằng, khi không tìm được phương thức hạ lãi suất huy động ngân hàng, sẽ đẩy lãi suất cho vay lên. Điều đó sẽ khiến người vay nợ không trả được nợ, ngân hàng lại bị kẹt thanh khoản, nợ xấu tăng cao.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, một trong 6 vấn đề của nền kinh tế năm 2023 là nợ xấu tiềm ẩn có thể tiếp tục gia tăng.
Theo đó, ngân hàng đang mắc kẹt ở giữa: nếu không giữ biên lợi nhuận tốt, khả năng tích lũy để ứng phó nợ xấu sẽ bị mỏng đi. Còn nếu tiếp tục tăng lãi suất, nợ xấu sẽ là bài toán rủi ro hiện hữu.
Ngoài ra, nếu không hạ lãi suất, họ có thể sẽ không được ưu tiên room tín dụng ở năm sau. Đây có thể xem là như “cây gậy” điều hành mà các ngân hàng sẽ phải xem xét điều hướng nếu không muốn kẹt cửa kinh doanh.
>>>TS Cấn Văn Lực: Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn là thách thức ở 2023
“Củ cà rốt”
Room tín dụng là một trong những “củ cà rốt” lợi ích thực tế mà các ngân hàng nhận được. Tuy nhiên, họ có lợi ích tự thân nếu hạ lãi suất phù hợp. “Nếu hạ được lãi suất huy động mà vẫn đảm bảo được thanh khoản, không có lý do gì các ngân hàng không hạ lãi suất để hỗ trợ, giữ chân khách hàng”, Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết.
Ông này cũng nói rằng hiện NHNN đã có quy định tăng, giảm lãi suất phải báo cáo. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng các ngân hàng sẽ tăng lãi suất không công khai.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cảnh báo việc áp đặt các biện pháp hành chính trong điều hành chính sách lãi suất hiện nay dễ đi theo vết xe đổ của năm 2009- 2011. Các ngân hàng có thể tăng lãi suất “dưới bàn”, khiến chi phí vốn thực sự đẩy lên cao, khó kiểm soát nợ xấu tăng cao, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Do đó, TS. Nguyễn Hữu Huân kiến nghị NHNN phải tính toán bơm vốn dài hạn để các ngân hàng giảm áp lực thanh khoản, giảm động cơ đẩy lãi suất huy động.
Vấn đề là NHNN có thể bơm, hỗ trợ thanh khoản được bao lâu nếu áp lực lãi suất, tỷ giá, mà như theo TS. Cấn Văn Lực, vẫn đầy rủi ro trong năm 2023, nhất là khi FED vẫn tiếp tục tăng lãi suất dù mức tăng đã giảm.
Sẽ "có biện pháp xử lý" với ngân hàng tăng lãi suất
Ngày 22/12/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung về công tác tín dụng, lãi suất trong thời gian tới.
Văn bản nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến của thị trường và tình hình tăng trưởng tín dụng, lãi suất của hệ thống TCTD trong thời gian gần đây, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện một số nội dung sau:
Trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN đã thông báo, TCTD chủ động cần đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn. Tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghề cao); các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.
Kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cũng nêu là sẽ theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các TCTD này.
Như vậy nhà điều hành đang và rất quyết tâm để chặn cuộc đua tăng lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Theo đó, tín hiệu tốt là các thành phần trong nền kinh tế là sẽ có kỳ vọng tiếp cận vốn với chi phí vốn rẻ.
Có thể bạn quan tâm
OCB giảm đồng loạt lãi suất và triển khai gói ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng
04:50, 22/12/2022
Cần gói hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp "giữ chân" người lao động
15:05, 19/12/2022
TS Cấn Văn Lực: Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn là thách thức ở 2023
12:25, 18/12/2022
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: NHNN có hạ lãi suất?
12:00, 17/12/2022