Chính sách tiền tệ còn thận trọng
Năm 2023 được dự báo tiếp tục là năm đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nói riêng.
>>Vì sao hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản?
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị, điều hành chính sách tiền tệ cần hết sức linh hoạt và thận trọng để hỗ trợ nền kinh tế hoàn thành mục tiêu kép.
Lửa thử vàng
Kinh tế toàn cầu bước vào năm 2022 với nhiều kỳ vọng khi COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Ngọn lửa lạm phát, vốn âm ỉ từ cuối năm 2021, đã được cuộc xung đột Nga - Ukraine “tiếp thêm dầu” bùng lên mạnh mẽ và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu.
Áp lực lạm phát đã buộc hầu hết các NHTW phải thắt chặt tiền tệ, tăng nhanh lãi suất để ứng phó. Động thái này của các NHTW đã khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh, thậm chí nhiều nền kinh tế lớn có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam đã chịu tác động không nhỏ, nhất là nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Đặc biệt, công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trước áp lực lạm phát, đồng USD tăng giá mạnh sau động thái tăng lãi suất quyết liệt của FED.
Thế nhưng, những thành quả mà nền kinh tế đạt được trong năm 2022 là rất ấn tượng khi tăng trưởng GDP đạt tới 8% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh; trong khi lạm phát được kiểm soát dưới 4%, bất chấp việc nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ.
“Bất chấp môi trường toàn cầu và trong nước đầy thách thức, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Có được điều này là nhờ những nỗ lực to lớn của Chính phủ, đặc biệt NHNN đã điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và tỷ giá để vượt qua các cơn gió ngược bên ngoài và trong nước”, ông Francois Painchaud- Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam đánh giá.
Định hướng chính sách tiền tệ năm 2023 của NHNN theo mục tiêu xuyên suốt đó là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đặc biệt là sự bền vững, an toàn của các tổ chức tín dụng.
Chung quan điểm như vậy, một chuyên gia ngân hàng dẫn ra ví dụ về hạn mức tín dụng để minh chứng cho sự linh hoạt, thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Trong những tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng rất nhanh cùng với đà phục hồi của nền kinh tế. Bởi vậy, chỉ đến giữa năm đã có không ít ngân hàng đã “sài” hết hạn mức tín dụng được phân bổ đầu năm, nên liên tục đề nghị xin thêm room tín dụng.
>>Thủ tướng: NHNN cần điều hành cân bằng, hợp lý giữa các biến số, mục tiêu
Trong tháng cuối năm 2022, nhận thấy các tác động bất lợi từ bên ngoài dịu bớt, trong khi thanh khoản của hệ thống các TCTD cải thiện hơn, NHNN đã quyết định nới thêm room tín dụng 1,5-2% cho toàn hệ thống để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đây là bước đi hợp lý của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu xuyên suốt là kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tiếp tục linh hoạt, thận trọng
Năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức khi kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái; trong khi áp lực lạm phát vẫn buộc các NHTW, đặc biệt là FED tiếp tục thắt chặt tiền tệ để ứng phó. Chưa kể đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, bất ổn địa chính trị gia tăng khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn…
Tất cả những điều đó đang đặt chính sách tiền tệ trước một bài toán nan giải, đó là phải làm sao kiềm chế lạm phát bình quân ở mức 4,5%, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng ở mức 6,5% như mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra; đồng thời phải đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.
Để hóa giải các áp lực đó, theo các chuyên gia, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; song cũng cần hết sức thận trọng bởi áp lực lạm phát vẫn còn rất lớn.
Theo TS. Võ Trí Thành– nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, áp lực vẫn rất lớn, nhất là từ bên ngoài, nhất là từ FED. Trong bối cảnh đó, NHNN nên tiếp tục điều hành chính sách linh hoạt gắn với minh bạch thông tin.
“Điều hành chính sách tiền tệ cần tôn trọng quy luật thị trường để đạt mục tiêu xuyên suốt ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện dư địa hỗ trợ tăng trưởng của chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp, vì thế chính sách tài khóa cần đảm nhận vai trò chủ công.
Về phía NHNN, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Có thể bạn quan tâm