Vì sao hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản?

LÊ MỸ 13/01/2023 05:00

Vốn đầu tư dài hạn đang phụ thuộc ngân hàng nhưng huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn.

>>Trái phiếu doanh nghiệp: Áp lực thanh khoản trong 12 tháng tới

Nền kinh tế Việt Nam đã bước sang những ngày đầu năm 2023, nhưng những bài học của 2022 vẫn còn nguyên, đặc biệt trong đó là các áp lực, thách thức đã đúc kết trong kinh nghiệm thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ, đặt trong bối cảnh chung đầy biến động phức tạp và khó lường năm qua.

NHNN

NHNN điều hành CSTT đã bám sát diễn biến thị trường trong từng thời điểm, đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp tùy thuộc vào bối cảnh tình hình, qua đó đã hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tích cực, đồng thời đảm bảo để kiểm soát lạm phát tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra. Ảnh: Trụ sở NHNN

Thách thức của thực tiễn điều hành 2022

Cụ thể, theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, năm 2022 là năm đầu nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Xung đột Nga-Ukraine leo thang, giá hàng hóa, lạm phát tăng cao nhất trong 40 năm trở lại đây tại các nền kinh tế phát triển, hơn 80 quốc gia đối mặt với lạm phát hai con số. Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) khởi động từ năm 2021 được các ngân hàng trung ương (NHTW) thúc đẩy mạnh mẽ trong năm 2022. Mức độ và tần suất tăng lãi suất được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực thi nhanh nhất trong lịch sử với 7 lần điều chỉnh tăng liên tục trong năm 2022 từ 0-0,25%/năm lên 4,25-4,5%/năm. Trước xu hướng thu hẹp Bảng cân đối, đồng thời tăng nhanh, mạnh lãi suất của Fed, đồng USD có xu hướng dịch chuyển mạnh từ các thị trường mới nổi (bao gồm Việt Nam) quay trở lại Mỹ, làm đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường toàn cầu. Chỉ số USD quốc tế (DXY) có thời điểm lên trên 115, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2021 – là mức cao nhất trong 20 năm trở lại đây. Trước xu thế đó, nhiều NHTW tại cả nước phát triển và đang phát triển đã phải tăng mạnh lãi suất và bán ngoại tệ can thiệp thị trường để bảo vệ giá trị đồng bản tệ, kiểm soát lạm phát.

Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn, biến động về giá cả, lạm phát, lãi suất, tỷ giá trong nước và diễn biến bất trắc từ thị trường quốc tế đặt ra thách thức rất lớn cho công tác điều hành CSTT. Trong khi đó, nhu cầu về vốn phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch gia tăng áp lực lên tín dụng ngân hàng, trong bối cảnh thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn trung dài hạn của nền kinh tế. Lạm phát nhập khẩu làm tăng chi phí sản xuất, gây sức ép lên lạm phát trong nước; do đó mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 được kiểm soát dưới 4%, nhưng lạm phát cơ bản tăng nhanh, đột biến từ 0,66% tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021 lên trên 5% vào tháng 12/2022, cho thấy thách thức rất lớn trong kiểm soát lạm phát năm 2023. Trong bối cảnh đó, điều hành CSTT phải cân đối giữa các nhiệm vụ, mục tiêu đan xen, thậm chí có thời điểm mâu thuẫn nhau trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, duy trì niềm tin của nhà đầu tư và người dân, nâng cao tính linh hoạt, tạo dư địa chính sách để tăng khả năng hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài.

Trước những biến động nhanh, khó lường của thị trường trong nước và quốc tế, bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã linh hoạt điều hành CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường. Theo đó, các công cụ, giải pháp điều hành CSTT được phối hợp đồng bộ, chủ động, linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt trong các thời điểm thanh khoản căng thẳng, tâm lý thị trường lo ngại sau sự cố xảy ra tại ngân hàng SCB trong tháng 10; qua đó đã giảm thiểu các cú sốc tiêu cực tác động lên lãi suất, tỷ giá; đảm bảo cung ứng vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế; thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát; đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.

Với các giải pháp CSTT được triển khai đồng bộ, năm 2022 ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực vào các thành quả nổi bật của nền kinh tế. Lạm phát năm 2022 được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, trong đó lạm phát CPI bình quân cả năm 2022 là 3,15%, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Những áp lực lớn trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước được hóa giải, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân vào môi trường và triển vọng kinh tế trung hạn tiếp tục được giữ vững.

>>Thủ tướng: NHNN cần điều hành cân bằng, hợp lý giữa các biến số, mục tiêu

Nhận diện áp lực cũng như thách thức điều hành và nỗ lực mà cơ quan điều hành CSTT đã vượt qua trong năm 2022, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng đây là một năm mà nếu các nhà kinh tế "ngồi vào ghế điều hành cũng sẽ toát mồ hôi" và cơ quan quản lý thực sự đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, đảm bảo được những nhiệm vụ đa mục tiêu không dễ gì cân bằng.

Cấp thiết phát triển thị trường vốn an toàn, bền vững

Cũng theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, trong thời gian tới, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các NHTW tiếp tục duy trì thắt chặt CSTT, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát. Mặc dù lạm phát trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo). Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020-2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu) và từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước. Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả. Do đó, chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà:

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà: "Điều hành CSTT trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách vì phải hướng đến các mục tiêu có tính xung đột trong một số thời điểm"

"Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu CSTT, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của TCTD, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Hiện nay, vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này", ông Hà phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mới đây.

Theo Nghị quyết 01 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã được Chính phủ ban hành, trong 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể về chính sách tiền tệ, Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. "Ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm ổn định hệ thống tài chính ngân hàng trong mọi tình huống", nghị quyết nêu rõ.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước phải quyết liệt, bảo đảm thi đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, đồng thời hoàn thiện thể chế quản lý thuế.

Đặc biệt, về thị trường vốn, Chính phủ quyết tâm cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản, không để mất an toàn hệ thống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự.

Nghị quyết nêu rõ: "Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, bảo đảm phát triển công khai, minh bạch, an toàn, ổn định, lành mạnh, bền vững".

Có thể nói cho đến hiện tại, vấn đề phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang là một trong những "điểm nóng", nhiệm vụ "nóng" của các nhà quản lý đầu năm 2023. Nhưng theo giới chuyên môn, đây không thể là nhiệm vụ ngắn hạn và vì các mục tiêu trước mắt, song một mặt vẫn phải sớm được tháo gỡ các nút thắt để giảm tải áp lực rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, giải tỏa bớt gánh nặng phụ thuộc nguồn vốn đầu tư đang gần như "dựa cả" vào tín dụng; mặt khác phải được thúc đẩy để vừa phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, quy mô, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, vừa không "bùng nổ" nhưng thiếu kiểm soát, an toàn như giai đoạn vừa qua. Thị trường hiện vẫn đang ngóng chờ những giải pháp đồng bộ để xử lý các vấn đề của thị trường vốn trong năm 2023.

Có thể bạn quan tâm

  • Khơi thông thị trường vốn 2023: Chờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tiền tệ

    Khơi thông thị trường vốn 2023: Chờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tiền tệ

    11:03, 02/01/2023

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 30/12: Khơi thông thị trường vốn 2023

    ĐIỂM BÁO NGÀY 30/12: Khơi thông thị trường vốn 2023

    04:49, 30/12/2022

  • DỰ BÁO KINH TẾ 2023: Thị trường vốn có nhiều điểm sáng

    DỰ BÁO KINH TẾ 2023: Thị trường vốn có nhiều điểm sáng

    17:12, 27/12/2022

  • Bù đắp khoảng trống pháp lý và niềm tin trên thị trường vốn

    Bù đắp khoảng trống pháp lý và niềm tin trên thị trường vốn

    04:08, 28/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO