Tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế còn đang đối mặt nhiều “cơn gió ngược”, các chuyên gia cho rằng chính sách tiền tệ (CSTT) nên tiếp tục được điều hành theo hướng hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Nhân dịp Tết Quý Mão, DĐDN đã phỏng vấn ông Đào Minh Tú-Phó Thống đốc NHNN xung quanh vấn đề này.
>>Chính sách tiền tệ 2023: Dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất
- Thưa Phó Thống đốc, trong năm 2022, NHNN đã có những giải pháp nào trong điều hành CSTT để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau hơn 2 năm dịch COVID-19?
NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh chứng khoán và bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Tính đến tháng 11/2022, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các TCTD. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, NHNN cũng yêu cầu các TCTD chủ động cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên (như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao)...
Như vậy, với mức tăng room khoảng 1,5-2% đã có khoảng 240 nghìn tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Chính vì vậy, đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.
- Chương trình hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng của các doanh nghiệp. Vậy trong năm 2023, NHNN có giải pháp nào để thúc đẩy chương trình này, thưa Phó Thống đốc?
Về triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM). Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP, ngành ngân hàng đã rất tích cực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh thực hiện chính sách, thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Các NHTM chủ động rà soát nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục và khảo sát, nắm bắt thực tế triển khai tại địa phương.
Thực tế cho thấy, chưa có một chính sách nào mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất này. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31/2022 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
>>Thống đốc NHNN: 3 bài học rút ra từ thực tiễn điều hành tiền tệ 2022
- Trong năm 2023, NHNN sẽ ưu tiên tập trung vào những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, thưa Phó Thống đốc?
Năm 2023, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng…
Về lãi suất, NHNN điều hành lãi suất theo hướng phù hợp diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước. Về điều hành tỷ giá, NHNN tiếp tục linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ; đồng thời, nắn dòng vốn tín dụng chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, NHNN sẽ khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.
- Xin cảm ơn Phó Thống đốc!
Có thể bạn quan tâm