Thống đốc NHNN: Khả năng tài chính thường hạn chế doanh nghiệp tiếp cận vốn

LÊ MỸ 16/03/2023 12:55

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, có những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) mà các ngân hàng đã nắm được, cố gắng tháo gỡ, nhưng vẫn gặp khó khăn.

>> Doanh nghiệp và Ngân hàng nói gì về việc tiếp cận tín dụng hiện nay

Theo Thống đốc NHNN,

Theo Thống đốc NHNN, tổng kết giai đoạn Covid-19, tổng số giảm lãi, giảm phí của hệ thống NH là trên 50 nghìn tỷ đồng, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho lượng dư nợ rất lớn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là DNNVV. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Cụ thể, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, doanh nghiệp tư nhân nói chung và DNNVV Việt Nam nói riêng có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Khả năng tài chính DNNVV thường hạn chế

Thời gian qua, NHNN với chức năng tham mưu xây dựng 1 số nghị định, trong đó có thành phần là DNNVV, và đã có 1 số giải pháp đóng góp xây dựng doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV.

Gần nhất nhìn lại năm 2022, một năm đầy khó khăn thách thức, tuy nhiên với sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt của NHNN thực hiện các giải pháp góp phần kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 3,15%, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao 8,02%. Thị trường tiền tệ ngoại hối sau những biến động, nhìn chung đã ổn định được, tỷ giá sau khi mất giá đến 9% vào tháng 10 đã giảm trở lại, kết thúc năm mất giá 3,5%, thấp hơn rất nhiều so với các đồng tiền trên thế giới và khu vực. Mặt bằng lãi suất của chúng ta tăng lên nhưng đấy cũng là xu thế mặt bằng thế giới tăng lên.

Từ cuối năm và bắt đầu từ năm nay, NHNN đã rất tích cực chỉ đạo, điều tiết tiền tệ, kêu gọi sự đồng thuận của các TCTD để giảm lãi suất. Ngày 15/3/2023, NHNN đã ban hành quyết định giảm lãi suất điều hành, đang cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.

Những khó khăn, vướng mắc ngoài thẩm quyền của NHNN và bản thân hệ thống NH không thể  xử lý được thì chúng ta có thể kiến nghị với các cấp cao hơn (như Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan bộ ngành liên quan) có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DNNVV. Về phía bản thân các doanh nghiệp cũng thấy những hạn chế chủ quan của mình, đưa ra để có giải pháp - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

"Tuy nhiên, giảm đến mức nào, các công cụ chính sách nào thì cũng cần cân nhắc cụ thể bởi vì nhiệm vụ của NHNN không chỉ kiềm chế lạm phát, điều hành để giảm mặt bằng lãi suất, NHNN còn có nhiệm vụ ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn thanh khoản cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây cũng là những mục tiêu rất quan trọng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam. Rất nhiều nhiệm vụ mà NHNN phải cân đối hài hòa, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp…", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh do NHNN tổ chức mới đây.

Thống đốc cũng cho biết, qua đánh giá chung, NHNN cũng thấy rằng hiện nay, DNNVV còn rất nhiều khó khăn, gặp phải những hạn chế.

>> NHNN: Giảm lãi suất điều hành, định hướng giảm lãi vay

"Chúng tôi cũng nắm được các thông tin từ các phương tiện thông tin, báo cáo địa phương, của từng tổ chức tín dụng, cũng như là làm việc với các Hiệp hội, NHNN cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các hiệp hội, thấy được là bản thân các DNNVV có tình hình tài chính, khả năng tài chính thường hạn chế. Đây cũng là một điểm rất hạn chế khi các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tài sản đảm bảo không có, vị thế uy tín trên thị trường, về sản phẩm, thương hiệu, dòng tiền... trên thị trường rất khó khăn. Hệ thống NH thực hiện rất nhiều những giải pháp tháo gỡ tuy nhiên cũng gặp những khó khăn, hạn chế", Thống đốc nói.

Đa số DNNVV khó tiếp cận tín dụng là mới thành lập

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), trên thực tế, việc DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn còn khó khăn, vướng mắc, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Nguyên nhân khách quan từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đó là tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, tác động đến sản xuất kinh doanh nói chung và hiệu quả hoạt động của DNNVV nói riêng.

Bà Hà Thu Giang: Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. (Từ 2017-2020 có xu hướng tăng (17,86% lên 19,78%), tuy nhiên từ 2021 đến nay có xu hướng giảm (từ 19,78% xuống còn 18,33% năm 2022)

Bà Hà Thu Giang: Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. (Từ 2017-2020 có xu hướng tăng (17,86% lên 19,78%), tuy nhiên từ 2021 đến nay có xu hướng giảm (từ 19,78% xuống còn 18,33% năm 2022)

Về phía ngành ngân hàng, có 4 yếu tố chi phối hoạt động cho vay DNNVV:

Thứ nhất, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó, không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.

Thứ hai, DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, do đó, các DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định.

Thứ ba, thời gian qua trước diễn biến lạm phát kinh tế thế giới và trong nước, việc điều hành chính sách tiền tệ cần đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, các mức lãi suất điều hành điều chỉnh tăng, mặt bằng lãi suất cho vay có giai đoạn tăng cao, cùng với giá cả nguyên vật liệu sản xuất tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ còn gặp khó khăn do một số nguyên nhân như: khó tách phần chi phí được hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề; nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh giảm đã không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất, đánh giá về “khả năng phục hồi”...

Thứ tư, việc tiếp cận thông tin về các DNNVV còn hạn chế do hiện nay các TCTD chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp doanh nghiệp và qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, cơ quan hải quan... 

Còn nhìn ở góc độ phía DNNVV, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho rằng có 5 vấn đề dẫn đến việc tiếp cận và vay vốn ngân hàng bị hạn chế, gồm:

Thứ nhất, hầu hết các DNNVV là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (theo Bộ KH&ĐT trên 65% số doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp siêu nhỏ): quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.

Thứ hai, đa số các DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các DNNVV mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, vì vậy, TCTD không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của DNNVV, các TCTD khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng.

Thứ ba, các DNNVV trong thời gian qua đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn; mặc dù được các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định thông thường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do bị chuyển nhóm nợ, nên khó tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh; hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong kho không xuất được; bị khách hàng chiếm dụng vốn, công nợ cao.... Trong đó, một số DNNVV đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao khó tiếp cận được vốn vay.

Thứ tư, các DNNVV còn hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, đặc biệt trong vừa qua nền kinh tế chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Đa phần các DNNVV chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, chỉ coi công tác lập dự án là thủ tục để huy động vốn.

Thứ năm, vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp của DNNVV, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo, công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công…dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn của doanh nghiệp.

"Ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ DNNVV, do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp. Đặc biệt ở góc độ doanh nghiệp, rất cần sự nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của của các Hiệp hội làm cầu nối cho DNNVV tiếp cận với các TCTD; đầu mối trong việc hỗ trợ cho các DNNVV về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp thành viên.

Cùng với đó, các DNNVV cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay", Lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành kinh tế chia sẻ. 

NHNN định hướng tín dụng, tập trung một số giải pháp: 1) Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp; 2) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; phối hợp với các Bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương; 3) Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV;  Chỉ đạo các TCTD tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; 4) Tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ, trong đó đẩy mạnh triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách HTLS theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ; 5) Đa dạng các hình thức triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của DNNVV. 

Có thể bạn quan tâm

  • Từ ngày mai 15/3, NHNN chính thức giảm lãi suất điều hành

    Từ ngày mai 15/3, NHNN chính thức giảm lãi suất điều hành

    19:00, 14/03/2023

  • Điều kiện để NHNN chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ

    Điều kiện để NHNN chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ

    04:50, 08/03/2023

  • NHNN và Hội LHPN Việt Nam giáo dục tài chính cho giới nữ, hạn chế tín dụng đen

    NHNN và Hội LHPN Việt Nam giáo dục tài chính cho giới nữ, hạn chế tín dụng đen

    20:50, 06/03/2023

  • NHNN mở đường dây nóng nhận phản ánh về phân phối bảo hiểm tại ngân hàng

    NHNN mở đường dây nóng nhận phản ánh về phân phối bảo hiểm tại ngân hàng

    14:55, 21/02/2023

LÊ MỸ