Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam) vừa tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị giai đoạn 2023 – 2027.
>>NHNN mở đường dây nóng nhận phản ánh về phân phối bảo hiểm tại ngân hàng
Tại buổi ký, đại diện lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và NHNN khẳng định việc ký Quy chế phối hợp nhằm tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa hai đơn vị. Kế thừa và phát triển từ Chương trình phối hợp số 01 giữa NHNN, Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam từ năm 2016 về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và NHNN giai đoạn 2023-2027 được xây dựng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa NHNN và Hội LHPN trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, nâng cao hiệu quả hoạt động của NHNN và Hội LHPN trong thực hiện các chính sách về tài chính toàn diện, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn tín dụng khác để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng phù hợp.
Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và NHNN giai đoạn 2023-2027 gồm 04 nhóm hoạt động chính: (i) Phối hợp triển khai hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các loại hình tín dụng khác; (ii) Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, trong đó tập trung vào giáo dục tài chính cho phụ nữ, góp phần hạn chế tín dụng đen; (iii) Nâng cao nhận thức và tiến tới thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; (iv) Tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông về hoạt động của hai Bên, công tác an sinh xã hội và các hoạt động phối hợp khác.
Phát biểu tại Lễ ký Quy chế phối hợp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong suốt thời gian vừa qua, NHNN Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai các chương trình tín dụng. Ngày 23/06/2016, ba cơ quan gồm NHNN Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội nông dân Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp ký kết với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng để triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình. Kết quả là, đến cuối năm 2022 dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; chiếm 24,76% tổng dư nợ trong nền kinh tế và tăng gấp gần 3 lần so với năm 2016.
Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và 3 tổ chức chính trị - xã hội khác thực hiện một số nội dung ủy thác trong quy trình cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
"Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang quản lý dư nợ ủy thác lớn nhất trong các tổ chức chính trị - xã hội, với 62.299 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn và hơn 2,48 triệu khách hàng; 99,98% số Tổ Tiết kiệm và Vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội với số dư đạt 5.823 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đạt gần 108 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 39% tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua theo dõi, chất lượng cho vay thông qua các tổ chức Hội ngày càng được nâng cao và hiệu quả", Thống đốc cho biết.
Đáng chú ý, cũng theo Thống đốc, ngành Ngân hàng nói chung cũng có những lợi thế để góp một phần nhất định vào sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế. Hệ thống TCTD hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng khắp cả nước với 37 tổ chức tín dụng, 26 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, NH HTX và 1.180 quỹ tín dụng nhân dân, 04 tổ chức tài chính vi mô, 124 tổ chức hoạt động ngân hàng có yếu tố nước ngoài. Tính đến năm 2022, số cán bộ ngành ngân hàng là 320.848 cán bộ, trong đó có 186.274 cán bộ nữ, chiếm tỉ lệ khoảng 58%.
"Với đặc thù nói trên, ngành Ngân hàng có thể: i) tham gia một cách tích cực để hỗ trợ những nhóm yếu thế, phụ nữ, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ là nữ tiếp cận nguồn tín dụng; ii) triển khai các chương trình tài chính toàn diện, nâng cao kiến thức, đào tạo kỹ năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; iii) góp phần nhất định triển khai các chương trình an sinh xã hội....", Thống đốc khẳng định.
Theo bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, để góp phần hiện thực hoá các mục tiêu đề ra trong "Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", Hội đã triển khai Kế hoạch 961 và đạt được nhiều kết quả. Trong đó, bên cạnh truyền thông, tập huấn, nâng cao hiểu biết, năng lực tài chính cho phụ nữ đặc biệt là các dịch vụ tài chính cơ bản như thanh toán, tiết kiệm, tín dụng; tập huấn cho cán bộ Hội các cấp về các nội dung liên quan đến tài chính toàn diện; đã mở rộng phối hợp với nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ tài chính giúp tăng cơ hội cho phụ nữ thuận tiện trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu (bảo hiểm vi mô, tín dụng cho khởi nghiệp, tín dụng cho phát triển kinh doanh...).
Đặc biệt, Hội đẩy mạnh phối hợp nâng cao chất lượng và mở rộng dư nợ nguồn ủy thác tín dụng từ các ngân hàng với tổng dư nợ hơn 288 ngàn tỷ đồng từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số ngân hàng thương mại khác nhằm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tài chính, phát triển kinh tế.
Về hoạt động tài chính vi mô, nổi bật là Tổ chức Tài chính vi mô TNHH một thành viên Tình thương (TYM), đơn vị đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, đã tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm tài chính và phi tài chính, đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm phụ nữ khác nhau; với dư nợ đến ngày 31/12/2022 đạt 4,6 ngàn tỷ đồng với tỷ lệ hoàn trả rất cao, luôn duy trì ở mức 99%, năm 2022 là 100%.
NHNN và Hội LHPN Việt Nam đã thỏa thuận thống nhất bản kế hoạch phối hợp với một số nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện trong giai đoạn phối hợp như: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách; Xây dựng đề án về hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tài chính toàn diện, tài chính vi mô; Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông, chia sẻ thông tin; Xây dựng hệ thống dữ liệu về hoạt động vay vốn của khách hàng là phụ nữ; Tìm kiếm và vận động hỗ trợ của tổ chức quốc tế để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tiếp cận dịch vụ tài chính; Công tác an sinh xã hội (tập trung phụ nữ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn) và công tác cán bộ nữ; Thực hiện sơ kết giữa kỳ, tổng kết cuối kỳ đánh giá giai đoạn 05 năm (2023 - 2027) việc thực hiện Chương trình phối hợp.
Nhân dịp này, ngành Ngân hàng dành tặng 01 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ tôn tạo khu di tích Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam. Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã trao tặng kinh phí hỗ trợ của ngành Ngân hàng cho Hội LHPN Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp cho thị trường bất động sản: Đề xuất NHNN chỉ đạo hạ lãi suất
10:55, 17/02/2023
NHNN khẳng định vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản
10:24, 08/02/2023
Khả năng tăng lãi suất của NHNN trong quý I đã giảm
05:12, 02/02/2023
NHNN: Định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15% trong năm 2023
11:00, 19/01/2023
NHNN vẫn khuyến khích cho vay nhà ở xã hội
03:31, 04/01/2023