Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ: Tác động ra sao?
Một dự thảo được cho là của NHNN nhằm cụ thể hóa quy định việc triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh...
>>“Chúng tôi tha thiết mong được nới thời hạn cơ cấu nợ”
Theo văn bản của ông Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ký văn bản gửi Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển của khối doanh nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản.Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết theo thẩm quyền về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản.
Trong đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là thông tin được đánh giá là tích cực cho thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Mới đây, một Dự thảo được cho là của NHNN soạn thảo nhằm cụ thể hóa về thời gian, đối tượng và nguyên tắc cơ cấu, phân loại trích lập dự phòng. Theo văn bản có nội dung dự thảo, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/ hoặc lãi của các khoản nợ (bao gồm các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị đinh 55/2015 về chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn và đã sửa đổi bổ sung) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng các điều kiện:
Phát sinh trước ngày 8/4/2023 cho hoạt động cho vay, thuê tài chính phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/ hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết 31/12/2023.
Được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/ hoặc lãi theo hợp đồng do nguyên nhân khách quan của nền kinh tế, thị trường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng. Việc xác định do ngân hàng xem xét, quyết định.
Khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là khách hàng được TCTD, chi nhánh nước ngoài đánh giá là có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và / hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật hoặc do nguyên nhân chủ quan, hoạt động sản xuất kinh doanh yếu kém, thua lỗ của khách hàng.
Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ kể cả trường hợp gia hạn nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của từng số dư được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
>>Tăng cường các giải pháp cơ cấu nợ
Thời gian thực hiện được nêu trong văn bản dự thảo sẽ là từ ngày có hiệu lực đến hết 31/12/2023.
Đối với việc giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ, các quy định được cụ thể hóa theo văn bản dự thảo này là:
Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định và được phân loại theo quy định của NHNN về phân loại nợ tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Số dư sau cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định.
Trường hợp số dư nợ sau cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quá hạn theo thời hạn mà không được tiếp tục cơ cấu lại, phải thực hiện phân loại nợ theo quy định về phân loại nợ mà NHNN quy định.
Số lãi phải thu của dư nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; khi thu được sẽ hạch toán vào thu nhập theo quy định.
NHNN cũng quy định các TCTD, chi nhánh NHNN thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định về phân loại nợ.
FIDT nhận định, các quy định văn bản có nội dung cơ bản tương tự như các Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 về về việc các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển lại cơ cấu lại thời gian trả nợ nợ mà NHNN áp dụng từ năm 2020 nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong dịch Covid -19 và sửa đổi sau đó.
Tác động đến các bên nếu áp dụng quy định như văn bản được đánh giá như sau:
Đối với ngân hàng
Giúp chất lượng tài sản trên BCTC của các ngân hàng duy trì dù chất lượng nợ đã suy giảm.
Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định vẫn phải thực hiện trích lập dự phòngnhư thông thường dù đã được cơ cấu giữ nhóm nên chi phí trích lập vẫn sẽ lớn và lợi nhuận các ngân hàng vẫn bị ảnh hưởng do trích lập khi tham gia tái cơ cấu, đặc biệt các ngân hàng chưa trích lập “thừa” so quy định.
Đối với người vay
Sẽ được áp dụng với các khoản vay, cho thuê tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh của cá nhân, tổ chức.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất được hưởng lợi nếu đang khó khăn.
Các doanh nghiệp phát triển bất động sản cũng được hưởng lợi ở các khoản vay phục vụ cho kinh doanh bất động sản.
Nhưng: Cá nhân đang vay mua bất động sản sẽ không được hưởng lợi bởi Thông tư này vì không thuộc đối tượng thụ hưởng.
Thời hạn cơ cấu kéo dài tối đa 1 năm theo chúng tôi là đủ để các doanh nghiệp cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh (trừ khi có khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vào 2024).
Đối với thị trường chứng khoán
FIDT cho rằng đây là 1 thông tin tích cực vì sẽ hỗ trợ mạnh cho nhóm ngân hàng, bất động sản và cả nền kinh tế, trong đó 2 nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index.
Kết hợp với các biện pháp giảm thuế đang chuẩn bị và gia hạn nộp thuế cho thấy sự hỗ trợ đồng bộ của cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đang mang lại kỳ vọng lớn cho thị trường và nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm