Ông Phan Văn Mãi: Mong muốn giảm lãi suất cho vay về 7-8%
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu 5 kiến nghị gửi NHNN liên quan đến lãi suất, vốn lưu động cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi thị trường, ổn định trái phiếu và kiểm soát ngân hàng...
>> NHNN: Huy động vùng Đông Nam Bộ chiếm 1/3, tín dụng chiếm 35% cả nước
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thời gian qua, NHNN đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thành phần trong nền kinh tế.
Sức khỏe của lực lượng doanh nghiệp suy giảm
“Chúng tôi nhận thức rằng việc NHNN tháo gỡ khó khăn là giải quyết vấn đề cấp bách và chuẩn bị cho lâu dài. Và phải rất cảm ơn NHNN cùng các TCTD vì điều đó”, Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ tại hội nghị Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ủy ban Nhân dân TP HCM chủ trì tổ chức.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo TP HCM đã nêu một số kết quả tình hình kinh tế xã hội, và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, những tháng đầu năm 2023, TP.HCM gặp những khó khăn nhất định, tuy nhiên đến tháng 4 đã có một số chỉ số kinh tế xã hội có chiều hướng tích cực, là tín hiệu đáng mừng.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 cũng ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Du lịch tăng 74,6%; khách du lịch quốc tế đến TP HCM đạt gần 340 nghìn lượt, tăng 195,2% so với cùng kỳ 2022.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 năm nay ước đạt gần 96.000 tỷ đồng, tăng 12,2% so tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Đó là một số tín hiệu tích cực của kinh tế, xã hội TP. Trong ngành, tăng trưởng tín dụng tháng 4 có sự cải thiện so với 3 tháng đầu năm.
>>Kỳ vọng hạ lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản ngay trong tháng 5
Tuy nhiên bên cạnh đó còn ghi nhận những tồn tại hạn chế. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 là 14.752 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới gần 145.000 tỷ đồng, giảm 9,6% về số lượng và giảm gần 25% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, vốn đăng ký bổ sung đạt gần 96.000 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung trong tháng 4 năm 2023 hơn 240.000 tỷ đồng, giảm 43,33 % so với cùng kỳ.
Trong tháng 4, TP ghi nhận có 1.207 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,13% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng gần 24% so với cùng kỳ với gần 15.000 doanh nghiệp và chỉ có hơn 5.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 26% so với cùng kỳ. Qua đó cho thấy tình hình sức khỏe của lực lượng doanh nghiệp, một bộ phận quan trọng đối sự phát kinh tế xã hội của TP.
“Qua nhiều lần làm việc trong các tháng đầu năm với Hiệp hội doanh nghiệp TP, chúng tôi ghi nhận tóm lại 5 vấn đề doanh nghiệp phản ánh rất khó khăn. Thứ nhất là gần 50% số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, không có nhu cầu, không có thị trường, không hiệu quả. Thứ 2, một bộ phận có nhu cầu vốn lưu động để giải quyết yêu cầu thanh toán ngắn hạn, đảm bảo thanh khoản. Thứ 3, nhiều doanh nghiệp trong kinh doanh có kế hoạch thanh toán đến hạn nhưng gặp khó khăn do hàng hóa không bán được. Thứ 4 là có các chương trình ưu đãi vốn nhưng doanh nghiệp ngại các gói ưu đãi một mặt do yêu cầu kinh doanh, một mặt ngại các vấn đề liên quan yêu cầu của cơ quan chức năng. Thứ 5, đối với bất động sản, ngoài những vấn đề đã nhận diện, người vay mua nhà vẫn ngại vay và vẫn mong muốn có chính sách ưu đãi để vay được yên tâm hơn. Đây là các vấn đề cần nhận diện để có chính sách tháo gỡ”, ông Phan Văn Mãi phát biểu.
Dự báo các tháng còn lại của năm 2023, người đứng đầu UBND TP HCM nhận định TP sẽ còn tiếp tục đối mặt với khó khăn. Doanh nghiệp thành lập mới sẽ vẫn giảm về số lượng, về vốn đăng ký, gặp khó khăn nguồn vốn, sức mua trong nước và thị trường vẫn yếu do khó khăn từ cả trong và ngoài nước.
Mong muốn lãi suất vay về 7-8%, sẵn sàng nhận thí điểm cơ chế mới
Bên cạnh những kết quả với nỗ lực mà ngành NH đã tham gia giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp TP để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng, và sự nỗ lực của ngành NH tại địa bàn sát cánh cùng TP. HCM, trên cơ sở tình hình kinh tế xã hội của TP và tình hình doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi kiến nghị:
Thứ nhất, đề nghị NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời hiệu quả. Chúng ta cần mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, phát huy nguồn vốn tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất nhằm hướng tới giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Chúng tôi ghi nhận mặt bằng hiện nay có giảm, nhưng mong muốn lãi suất sẽ giảm về mức 7-8%. Đây là thách thức nhưng mong muốn về mặt cân đối vĩ mô và NHNN sẽ ngồi lại bàn bạc để giải pháp về vốn, tín dụng để giải quyết vốn lưu động cho các doanh nghiêp.
Mong hệ thống ngân hàng tiếp tục nghiên cứu kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giãn hoãn, khoanh nợ xấu với trường hợp khó khăn chậm thanh toán.
Đối với các khoản vay mới, đề nghị các NH nghiên cứu các điều kiện phù hợp, hướng đến không siết tín dụng, xem xét đánh giá trên tỷ lệ thế chấp phù hợp. Với doanh nghiệp có đơn hàng, đề nghị áp dụng vay tín chấp.
Thứ hai, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ hiệu quả nhằm giải quyết khó khăn, tháo gỡ cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2023; Ngành NH tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận lại thị trường, phục hồi thị trường, thêm thị trường mới.
“Chúng tôi vừa rồi có tiếp cận doanh nghiệp và ghi nhận do suy giảm kinh tế thế giới, cầu thị trường giảm, thực tế có việc cầu chưa giảm đều song khi Trung Quốc phục hồi mở cửa, chúng ta phải cạnh tranh đơn hàng với Trung Quốc. Do đó, có thị trường chưa giảm nhưng đơn hàng ta giảm. Đề nghị kiến nghị để có chính sách trong xúc tiến mở rộng thị trường, bởi bên cạnh các thị trường trong nước và đã có, việc mở rộng thị trường rất cần chính sách quốc gia, Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Thứ ba, đề nghị NH tiếp tục tục phát triển các chính sách đa dạng, sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng công nhân sinh viên, đảm bảo an sinh xã hội hạn chế tín dụng đen", Lãnh đạo TP HCM kiến nghị và phân tích rằng rất nhiều NHTM trên địa bàn có sản phẩm, chẳng hạn như cho vay thấu chi 30 triệu-50 triệu đồng cho công nhân, nếu chúng ta làm tốt đây cũng là sản phẩm tốt xử lý hạn chế tín dụng đen.
Trong tín dụng tiêu dùng, ông Phan Văn Mãi đề nghị cho vay nhà ở xã hội, công nhân, cho vay cải tạo chung cư cũ và hỗ trợ lãi suất cho người vay mua nhà; bởi như đánh giá, có nhiều dự án BĐS đủ điều kiện cho người mua nhưng vẫn dè dặt chờ tín dụng hỗ trợ.
Thứ 4, TP HCM đề nghị NHNN theo dõi giúp đỡ để TP xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế. “TP đề nghị và sẵn sàng nhận thí điểm các cơ chế mới thuộc lĩnh vực ngân hàng", ông cho biết.
Thứ 5, đề nghị NHNN tiếp tục cùng các bộ ngành có liên quan tăng cường đẩy mạnh phòng chống tội phạm công nghệ, công nghệ cao, đảm bảo an toàn cho ngân hàng và tài sản cho khách hàng. Đồng thời đề nghị NHNN có giải pháp tổng thể đồng bộ giải quyết cơ bản vấn đề liên quan đến các NH đang thuộc diện kiểm soát trên địa bàn TP; cũng như có ý kiến đến các cơ quan về các vấn đề trái phiếu để ổn định thị trường này.
Có thể bạn quan tâm
TP HCM tiếp tục chỉ đạo nóng gỡ vướng 156 dự án bất động sản
16:20, 25/03/2023
“Giải cứu” 156 dự án tại TP HCM: Phân nhóm để gỡ thủ tục pháp lý
11:30, 09/03/2023
HUBA kiến nghị gia hạn nợ vay 1 năm và giảm thuế VAT 8% tới 2024
13:15, 06/01/2023
HUBA: Đề xuất giải pháp ngăn nguy cơ đứt gãy nguồn cung hàng thiết yếu
15:40, 08/08/2021