Cần thêm gói hỗ trợ kích cầu
Thủ tướng Chính phủ đang giao NHNN thúc đẩy triển khai các gói tín dụng tiêu dùng.
>>Kỳ vọng gói hỗ trợ thuế, phí kịp “thẩm thấu” đến doanh nghiệp
Theo dự toán ngân sách 2023 và nguồn vốn được phân bổ từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, nếu bao gồm đầu tư công từ chương trình phục hồi chưa giải ngân, mục chi đầu tư phát triển lên đến gần 760.000 tỷ đồng.
Các gói hỗ trợ lớn đang có
Trên thực tế, ngoài giải ngân đầu tư công, còn có các gói hỗ trợ khác, như các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng quy mô gói hỗ trợ gần 200 nghìn tỷ đồng; gói hỗ trợ giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn khoảng 38 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng (Chính phủ sẽ hụt thu ngân sách dự kiến 20.000 tỷ đồng).
Cùng với đó, giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến sẽ làm hụt thu ngân sách 8.000-9.000 tỷ đồng; giảm 36 phí và lệ phí theo Thông tư 44/2023/TT-BTC dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng hơn 700 tỷ đồng…
Cần triển khai sớm
Do nền kinh tế đang chững lại tăng trưởng và PMI xuống thấp biểu thị sức cầu từ cả xuất khẩu lẫn nội địa đều suy giảm, tâm điểm kỳ vọng cải thiện sức cầu rơi vào gói hỗ trợ VAT- góp phần giảm giá hàng hóa, tăng sức mua, tạo hiệu ứng sản xuất tương đương và tiếp tục tạo vòng tròn giảm giá hàng hóa.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc điều hành SQV International, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Ứng dụng cho rằng, khi triển khai gói giảm VAT, ngoài thời gian phê duyệt quá ngắn (chỉ đến hết năm 2023), cần lưu ý doanh nghiệp có thể đẩy sự gia tăng chi phí đầu vào sang cho người tiêu dùng, làm hạn chế hiệu quả của gói hỗ trợ.
Ông Hiệp cho rằng việc Chính phủ giao NHNN thúc đẩy triển khai các gói tín dụng tiêu dùng là chủ trương rất cần được triển khai sớm; đặc biệt nên theo hướng các gói tín dụng không chỉ hỗ trợ cho người tiêu dùng cuối cùng, mà còn phải tính đến khả năng tiếp cận vốn của các nhà sản xuất, phân phối tiêu dùng nhỏ, các hộ kinh doanh...
“Nếu như giảm VAT có thể thúc đẩy cầu ngắn hạn, thì giảm chi phí cơ hội tiếp cận vốn cho các nhà sản xuất, phân phối sẽ tạo thuận lợi để họ không đẩy sự gia tăng chi phí đầu vào sang cho người tiêu dùng, giúp giảm giá hàng hóa, hỗ trợ kích cầu nền kinh tế”, ông Hiệp phân tích.
Có thể bạn quan tâm