Tài chính xanh trong Khung chiến lược tăng trưởng xanh của TP HCM
Huy động vốn xanh ở đâu, phân bổ ra sao để đạt hiệu quả ở quy mô của TP HCM.., có thể là kinh nghiệm đi trước để thực hiện các cam kết xanh của Việt Nam.
>>>Cần thiết xây dựng và phát triển thị trường tài chính xanh
Phát biểu tại hội thảo “Tài chính xanh và Thị trường tín chỉ carbon” do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sáng ngày 6/9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, trong nhận thức của TPHCM, TP cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho năng lực kinh tế TP, đóng góp cho kinh tế cả nước.
Người đứng đầu UBND TP nêu ra “những thúc bách từ bên trong” của TPHCM như: Giảm dần động lực tăng trưởng, biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống, an ninh năng lượng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, đây là những vấn đề nội tại mà nếu không chuyển đổi xanh, không có chiến lược bài bản, chính sách cụ thể lâu dài thì chắc chắn kinh tế TPHCM sẽ không có năng lực cạnh tranh mới, không thể đóng góp tốt cho kinh tế cả nước.
Cùng với nhận thức trên, ông Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận lãnh những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.
Thời gian qua, TPHCM đánh giá trong định hướng chung, khung pháp lý chung của cả nước về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững chưa nhiều. Do đó TPHCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ chính thức công bố vào Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2023 diễn ra vào 15/9 tới.
>>>Giải pháp thu hút đầu tư tài chính xanh cho châu Á
Trong Khung chiến lược này, tuy chưa công bố nhưng Chủ tịch UBND TP HCM cũng đề cập 3 trụ cột. Thứ nhất là Tài chính xanh; Thứ hai là Hạ tầng và Thứ ba là Hành vi tiêu dùng.
"Việt Nam trong thời gian tới cần huy động phải 300-400 tỷ USD, gần bằng với quy mô GDP hiện nay. Vậy chúng ta cần huy động vốn ở đâu cho hiệu quả? Từ TP HCM quy mô nhỏ hơn, đi đầu, huy động hiệu quả, đúng trọng tâm… có thể là kinh nghiệm cho việc thực hiện mục tiêu trên hiệu quả hơn. TP xác định nguồn lực để thực hiện việc này là tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối trong nước, hợp tác quốc tế. Hiện mặt bằng pháp lý cần nghiên cứu hoàn thiện hơn cho tài chính xanh", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định quan điểm, lực lượng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là doanh nghiệp, làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững. Việc này thời gian tới TPHCM sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Theo số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải carbon cao nhất ở châu Á.
Đây là một thách thức khi Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp quốc lần thứ 26 (COP26). Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết của Việt Nam là giảm 30% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Theo một báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây, WB ước tính Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, trong đó đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và thêm 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đồng nghĩa Việt Nam sẽ cần những khoản đầu tư rất lớn trong gần 30 năm tới, trong khi nguồn lực của Nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tài chính.
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách đã tính đến xu hướng xanh hóa cho nền kinh tế. Từ sản xuất đến xuất khẩu, từ dịch vụ đến thương mại; cả thị trường chứng khoán cũng như bất động sản cũng buộc phải “xanh hóa”. Đặc biệt là TPHCM, địa phương được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, với cơ hội và thách thức đan xen khi đã được Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bằng Nghị quyết 98.
Theo nhà báo Tăng Hữu Phong - Tổng Biên Tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, TP HCM mong muốn có thể nhanh chóng phát triển một thị trường trái phiếu xanh để thu hút nguồn vốn quốc tế và trong nước, cũng như một thị trường tín chỉ carbon thông qua sàn giao dịch mua bán tín chỉ carbon, để kinh tế thành phố đạt được các mục tiêu phát triển và bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Tài chính xanh và phát triển bền vững (kỳ 1): Kinh nghiệm tại các quốc gia
11:00, 26/07/2023
Cần thiết xây dựng và phát triển thị trường tài chính xanh
05:20, 20/05/2023
Bài toán tài chính xanh của Trung Nam Group
05:10, 04/11/2022
Tài chính xanh và công nghệ blockchain đưa phát thải ròng về 0
09:31, 09/01/2023
8 khuyến nghị phát triển tài chính xanh tại Việt Nam
15:30, 01/07/2022