Bài toán tài chính xanh của Trung Nam Group

LÊ MỸ 04/11/2022 05:10

Các doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam đang có nhu cầu đầu tư cho dự án rất lớn, trong khi tín dụng và thị trường trái phiếu nói chung, tài chính xanh nói riêng chưa thực sự mở rộng.

>>>“Hồi sinh” thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Chặn “bond - run”

Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group), doanh nghiệp tư nhân đầu ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam, ứng phó với ra sao với bài toán vốn này?

Bà Đỗ Tú Anh - Phó Tổng giám đốc Trungnam Group, cho biết Trung Nam hiện có 14 nhà máy điện, tổng sản lượng điện đang phát lên lưới là 4,3 tỷ Kwh hàng năm. Trong đó, điện gió 700MW và 120MW là thủy điện, còn lại là điện mặt trời.

Trong bối cảnh thị trường tài chính đang bị nhiễu loạn bởi các tin đồn, Trungnam Group và CTCK VNDiriect là 2 trong số ít các đơn vị tích cực tiếp cận, gặp gỡ, cởi mở thông tin tới nhà đầu tư

Trong bối cảnh thị trường tài chính đang bị nhiễu loạn bởi các tin đồn, Trungnam Group và CTCK VNDiriect là 2 trong số ít các đơn vị tích cực tiếp cận, gặp gỡ, cởi mở thông tin tới nhà đầu tư

Là doanh nghiệp tập trung mảng cốt lõi năng lượng, trong đó với năng lượng tái tạo có tổng số lượng dự án và công suất lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, tính đến tháng 10/2021, Trungnam Group có tổng 1,63 GW điện năng đóng góp vào nguồn điện của cả nước và là doanh nghiệp tư nhân duy nhất của Việt Nam tham gia vào quá trình truyền tải điện với Trạm biến áp 500kV  và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia (Trạm 500kV Thuận Nam – Ninh Thuận).

Kinh nghiệm là một lợi thế để Trung Nam tăng tốc cho các dự án những năm qua, với tổng mức đầu tư lên tới 55.000 tỷ tính đến hiện nay. Để hướng đến tổng mức đầu tư đó, các dự án được triển khai với một phần nguồn vốn đến từ tín dụng và một phần là đến từ thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp). Được biết, Trung Nam hiện có lượng trái phiếu phát hành 27.000 tỷ đồng - tất cả đều “đổ” về các dự án.

Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group cũng chia sẻ tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư ở TP HCM, là ngoài năng lượng, Tập đoàn còn có các lĩnh vực, mảng khác. 

Về bất động sản, Trungnam có khoảng gần 600 ha đất chưa khai thác, tất cả đều là đất được đền bù, giải phóng mặt bằng, có được từ việc làm các dự án qua các hình thức đầu tư đối tác công tư, “bất động sản không phải nghề chính của Trung Nam mà là tích lũy”. 

Đối với câu chuyện nguồn vốn, có thể nhìn nhận đây cũng là một lợi thế cộng thêm của đơn vị này ở góc độ khi cần tài sản đảm bảo là bất động sản, theo “khẩu vị” ưa thích của các nhà tài trợ vốn ngoài chính tài sản/ dòng tiền dự án; dù là bất động sản chưa phát triển và chưa mang lại doanh thu.

>>>Hàn Quốc kích hoạt quỹ bình ổn trái phiếu và chuyện của Việt Nam

Tập đoàn này cũng có khu công nghiệp công nghệ cao (tại Đà Nẵng) và cạnh tranh trong mảng xe vận tải siêu trường, siêu trọng, xà lan vận chuyển thi công trên biển phục vụ thi công, bảo dưỡng công trình… 

“Chúng tôi bám 3 nền tảng trụ cột: Hạ tầng, công nghệ và phương án vận chuyển thi công; Chiến lược O&M (“Operation & Maintenance” - Vận hành & Bảo dưỡng) để tối ưu hóa hoạt động. Tất cả các nhà máy đều có độ khả dụng lên tới 97% và không bỏ qua bất cứ yếu tố nào để tối ưu hóa doanh thu, lợi nhuận, đảm bảo quyền lợi cổ đông, nhà đầu tư”, bà Tú Anh cho biết.

Trước đó, gặp gỡ nhà đầu tư, Chủ tịch Trung Nam - ông Nguyễn Tâm Thịnh cũng từng khẳng định, với tổng mức đầu tư 55.000 tỷ, so với mức đầu tư này thì số trái phiếu phát hành 27.000 tỷ đồng không phải là quá lớn. Theo ông Nguyễn Tâm Thịnh, với câu hỏi “tiền đâu trả 2.800 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu mỗi năm” mà các nhà đầu tư đặt ra, ông Thịnh trả lời: “Tôi bán điện tôi trả cho nhà đầu tư chứ. Doanh thu của chúng tôi một năm hơn 8.000 tỷ, trả lãi 2.800 tỷ không là vấn đề gì”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tín dụng đang kiểm soát hạn mức và tương lai cũng sẽ không còn kênh vốn mở rộng cho các dự án dài khi tổ chức tín dụng sẽ phải kiểm soát tỷ lệ huy động vốn cho vay trung và dài hạn ở mức thấp hơn trước đây; còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp được nhận định gặp khó khăn ngắn hạn, vậy để tiếp tục triển khai các dự án và hiện thực mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2026, đồng thời nhắm đến kỳ vọng của mình với quy hoạch điện 8 sắp được Chính phủ thông qua, trong đó Tập đoàn có kế hoạch tham gia đấu thầu một loạt các dự án điện gió trên bờ và gần bờ tại các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long; thì Trungnam Group sẽ xử lý tiếp bài toán huy động vốn ra sao?

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam cho rằng khác với bất động sản chỉ cần triển khai dự án tới 20% là đã có thể huy động vốn, với dự án năng lượng, luôn phải làm tới công đoạn cuối cùng, phải thử nghiệm xong mới thu được tiền. “Nhưng một khi đã đến giai đoạn thu tiền thì dòng tiền ổn định, dự án không gây ô nhiễm, sản phẩm không phải tiếp thị, tất nhiên là có rủi ro”, ông Thịnh nói và cho biết thêm, dư địa của thị trường năng lượng còn rất lớn khi nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam đang rất thấp so với Thái Lan, Indonesia…, và giá điện cũng ở mức rất thấp, do đó kịch bản lắp đặt với công suất của ngành tới 2045 là rất lớn. Có thể nói đây là thị trường gắn với 3 chữ T: Tiềm năng: Điện mặt trời điện gió;  Thách thức: Chính sách, cơ chế,cơ hội; Triển vọng: Thành công. 

Đón đầu tiềm năng với dư địa thị trường đó, Trung Nam có kế hoạch huy động vốn quốc tế. 

Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng Giám đốc ngân hàng Deutsch Bank Việt Nam nhận định, hiện nhu cầu tài trợ ngành, các dự án năng lượng trên thế giới đang ngày càng tăng. Ưu tiên của các Chính phủ với năng lượng ngày càng cao. Chính vì vậy mà hiện các Chính phủ đã đưa ra nhiều tiêu chí tài chính xanh, kế toán, tín chỉ carbon…Với Trung Nam, ông Quang cho rằng hoàn toàn đủ năng lực tiếp cận được vốn nước ngoài. “Kể cả trong giai đoạn hiện nay dù lãi suất đang tăng, với bối cảnh các quốc gia đối mặt với nhiều vấn đề như lạm phát, rủi ro đầu tư cao, thì việc tài trợ đặc biệt qua trái phiếu cho các đơn vị xếp hạng dưới chuẩn có thể hạn chế, nhưng vốn cho doanh nghiệp xanh kể cả dưới chuẩn vẫn cao”. 

Theo bà  Trần Thị Khánh Hiền, GĐ Khối phân tích CTCK VNDirect, Việt Nam đang là điểm đến của dòng vốn đầu tư năng lượng. Điều đó thể hiện qua dữ liệu bất chấp khó khăn với M&A giảm sút trên mọi lĩnh vực, M&A các dự án năng lượng tái tạo vẫn tăng gấp đôi so với năm trước. 

Bên cạnh đó, dù Việt Nam chưa có quỹ đầu tư ESG (ESG equity fund), song ghi nhận từ các thị trường mới nổi và đang phát triển cùng khu vực, các quỹ ESG có xu hướng gia tăng quy mô vốn rất lớn. Định giá tài sản của các doanh nghiệp năng lượng cũng đang tăng lên, theo định giá tài sản xanh tăng. Giả định chỉ có 30% công suất năng lượng tái tạo của Việt Nam được niêm yết trên thị trường chứng khoán, thì đây sẽ là cơ hội vốn, đòn bẩy lớn cho ngành. 

Có thể bạn quan tâm

  • Phát triển năng lượng tái tạo: Cần thêm cơ chế, chính sách

    Phát triển năng lượng tái tạo: Cần thêm cơ chế, chính sách

    15:24, 24/10/2022

  • Phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều rào cản

    Phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều rào cản

    03:00, 14/10/2022

  • Bình Thuận ưu tiên phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao

    Bình Thuận ưu tiên phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao

    22:06, 19/09/2022

  • Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Cần xây dựng cơ chế giá mua điện phù hợp

    Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Cần xây dựng cơ chế giá mua điện phù hợp

    03:50, 11/08/2022

  • Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Đàm phán giá mua điện khó khả thi

    Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Đàm phán giá mua điện khó khả thi

    03:50, 10/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bài toán tài chính xanh của Trung Nam Group
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO