Gần 121.000 tỷ đồng đã được cơ cấu thời hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ

L.MỸ 29/09/2023 05:00

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho biết đến cuối tháng 8, việc thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN ghi nhận lũy kế gần 121.000 tỷ đồng giá trị nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

>>>Doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp

Cụ thể, thông tin nhân Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, đại diện NHNN cho biết đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Đây cũng là dữ liệu đã được Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cung cấp trước đó tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

NHNN

Theo NHNN, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022. Ảnh Quốc Tuấn

Cũng liên quan đến tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà dẫn bối cảnh vĩ mô, cho biết trong 8 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế của chúng ta phải đối mặt với khó khăn, thách thức, do những vấn đề trong năm 2022 chưa xử lý được như là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thế giới tiếp tục đối mặt với sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Âu, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước. Mặc dù lạm phát đã qua đỉnh điểm nhưng các mức lãi suất của các nước vẫn ở mức cao và các NHTW trên thế giới tiếp tục bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát, vì vậy mặt bằng lãi suất trên thế giới ở mức tương đối cao.

"Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn nên tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là chú trọng vào 03 động lực để tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Liên quan đến đầu tư thì lĩnh vực tín dụng ngân hàng là một vấn đề được đặc biệt quan tâm. Năm 2022, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 14,18% nhưng 8 tháng đầu năm nay mới tăng 5,56%. Tiếp cận tín dụng bị hạn chế do rất nhiều nguyên nhân, cần được phân tích cụ thể", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói.

Về điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022). Bên cạnh đó, NHNN thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay; chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các TCTD để đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5-2%/năm). Đến nay, các TCTD cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.

>>>Xây dựng thể chế mới, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp

NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt.

BIDV

BIDV đã đi đầu trong giải ngân tín dụng theo cam kết chương trình vốn vay ưu đãi cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân 120.000 tỷ đồng. Trong ảnh: BIDV chi nhánh Hùng Vương ký kết tài trợ vốn cho Khu nhà ở xã hội - thấp tầng thuộc Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Minh Phương, TP.Việt Trì, Phú Thọ vào tháng 6/2023

Đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), NHNN cho biết đã chỉ đạo và yêu cầu các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS; Khẩn trương có văn bản hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. 

Đến nay, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 03 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, triển khai một số giải pháp tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho một số mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, thuỷ sản, cà phê). Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các ngành này tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh như duy trì hạn mức tín dụng đã cấp, giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các loại phí dịch vụ, linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp). Với 13 ngân hàng đăng tham gia triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản trong quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay, thời gian triển khai đến hết 30/6/2024, doanh số giải ngân đã đạt gần 5.500 tỷ đồng (bằng 37% tổng số tiền cam kết cho vay theo chương trình), cho 2.000 lượt khách hàng vay vốn.

Đối với việc thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong tất cả các ngành, lĩnh vực được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, theo số liệu từ NHNN, đến cuối tháng 8/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ gần 121.000 tỷ đồng, với gần 124.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất. Đến cuối tháng 8/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 169.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 781 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối, trao đổi, nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng ở nhiều cấp độ. Ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch nhằm tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cũng chia sẻ, liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, trong gần 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức 02 Hội nghị, 05 cuộc họp với các bộ ngành, Hiệp hội; NHNN đã tổ chức 11 Hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 02 Hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại các địa phương đã có 63 Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn. 

Có thể bạn quan tâm

  • NHNN: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận biện pháp đảm bảo tiền vay

    NHNN: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận biện pháp đảm bảo tiền vay

    12:00, 03/09/2023

  • Toàn cảnh kinh tế tháng 8 và khả năng giữ nguyên lãi suất điều hành của NHNN

    Toàn cảnh kinh tế tháng 8 và khả năng giữ nguyên lãi suất điều hành của NHNN

    11:20, 30/08/2023

  • NHNN cho phép “đảo nợ”: Khoảng cách từ chính sách đến thực tế còn xa

    NHNN cho phép “đảo nợ”: Khoảng cách từ chính sách đến thực tế còn xa

    05:24, 07/09/2023

L.MỸ