NHNN: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận biện pháp đảm bảo tiền vay

L.MỸ 03/09/2023 12:00

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo quy định của pháp luật hiện hành, TCTD và khách hàng thỏa thuận về biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật.

Để tiếp cận được vốn, doanh nghiệp phải chứng minh khả năng trả nợ vay

Để tiếp cận được vốn, theo nhiều NHTM, họ sẽ ưu tiên doanh nghiệp chứng minh được khả năng trả nợ vay chứ không chỉ "nhìn vào" tài sản đảm bảo thế chấp khoản vay. Ảnh minh họa

>>>Ngân hàng phát huy hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, cách nào?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận được được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Văn bản số 742/BDN ngày 14/6/2023 với nội dung kiến nghị như sau:

“Cử tri đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tạo lập các kênh thông thoáng nhưng có kiểm soát hợp lý để tạo nguồn vốn lưu động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động; cho phép các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất được thế chấp bằng máy móc, sản phẩm đầu ra, đầu vào để hạn chế phải thế chấp bằng bất động sản".

Đây không phải lần đầu có các kiến nghị với nội dung như trên. Trước đó, tại nhiều hội thảo, diễn đàn, NHNN thường xuyên nhận được các kiến nghị có nội dung chung là "yêu cầu các TCTD cho phép vay tín chấp".

Để trả lời kiến nghị của cử tri, văn bản NHNN cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất.

Cụ thể, về điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ chương của Chính phủ. Ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp hơn dự kiến, các nguồn vốn trung dài hạn trong nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn.

>>>Toàn cảnh kinh tế tháng 8 và khả năng giữ nguyên lãi suất điều hành của NHNN

Về điều hành lãi suất, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các TCTD yêu cầu triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; phối hợp với Hiệp hội ngân hàng để vận động sự thống nhất của các TCTD hội viên tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, sau một số vụ việc như vụ 7 ngân hàng tranh chấp 1 kho hàng thế chấp của Công ty Trường Ngân, hay vụ Gỗ Trường Thành (TTF) dưới thời Chủ tịch cũ bị phát hiện rút ruột tài sản sau kiểm toán... thì các nhà băng đều rất thận trọng với các tài sản thế chấp như kho hàng. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, sau một số vụ việc như vụ 7 ngân hàng tranh chấp 1 kho hàng thế chấp của Công ty Trường Ngân, hay vụ Gỗ Trường Thành (TTF) dưới thời Chủ tịch cũ bị phát hiện rút ruột tài sản sau kiểm toán... thì các nhà băng đều rất thận trọng với các tài sản thế chấp như kho hàng. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các TCTD đổi mới trong việc xây dựng quy trình cho vay cũng như nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn. Gần đây, NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng; trong đó có bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, quy trình thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn.

Về các biện pháp đảm bảo tiền vay, theo quy định của pháp luật hiện hành, TCTD và khách hàng thỏa thuận về biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD chủ động trong hoạt động cấp tín dụng và thỏa thuận với khách hàng trong quá trình quản lý khoản vay và trả nợ của khách hàng.

Thực tế, thời gian qua, TCTD đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm tiền với nhiều loại hình tài sản khác nhau, như ô tô, tài sản hình thành vay trong tương lai, hàng hóa luân chuyển, quyền đòi nợ, bất động sản... hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, được TCTD đánh giá có khả năng tài chính để hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi. Do đó, khách hàng làm việc trực tiếp với TCTD cho vay để đề xuất cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay.

Trước đó, như đề cập, khi nhận được các kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội tại các diễn đàn, hội thảo về việc cơ quan điều hành cần yêu cầu các TCTD cho phép triển khai vay tín chấp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định: NHNN từ lâu đã có chính sách để các TCTD triển khai vay tín chấp; và thực tế các TCTD vẫn triển khai cho vay có tài sản đảm bảo hoặc không, hoặc tài sản đảm bảo đa dạng ngoài bất động sản. Việc quyết định chấp nhận tín chấp hoặc tài sản đảm bảo loại hình nào, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro, đánh giá, thẩm định của TCTD với người vay, tín nhiệm của người vay và thỏa thuận của 2 bên.

Riêng đối với trường hợp khách hàng vay là cá nhân, ghi nhận từ thị trường cho thấy, loại hình tài sản mà các TCTD dễ dàng chấp nhận thế chấp và định giá cao nhất để cấp tín dụng khoản vay, cơ bản vẫn là bất động sản, cụ thể là "sổ hồng, sổ đỏ" - các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, nhà ở chính chủ. Một số ngân hàng thương mại cũng có khẩu vị chấp nhận tài sản đảm là hợp đồng mua bán nhưng với điều kiện thông thường đó là hợp đồng mua bán tại dự án ngân hàng có tham gia bảo lãnh hoặc có quan hệ thương mại với chủ đầu tư. Trong giai đoạn bất động sản tạm "đóng băng" vừa qua, rất nhiều ngân hàng cẩn trọng với tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay là hợp đồng mua bán nhà ở chưa "ra sổ".

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều kiến nghị sửa đổi, thu hồi Thông tư 06/2023: Chờ động thái của NHNN

    Nhiều kiến nghị sửa đổi, thu hồi Thông tư 06/2023: Chờ động thái của NHNN

    03:00, 22/08/2023

  • Hướng sửa đổi kỳ vọng với Thông tư 06/2023/TT-NHNN

    Hướng sửa đổi kỳ vọng với Thông tư 06/2023/TT-NHNN

    12:41, 20/08/2023

  • Sau 2 tháng ban hành, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sẽ được nghiên cứu, sửa đổi

    Sau 2 tháng ban hành, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sẽ được nghiên cứu, sửa đổi

    19:40, 16/08/2023

  • Thống đốc NHNN: Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh vẫn được vay tín dụng

    Thống đốc NHNN: Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh vẫn được vay tín dụng

    11:00, 16/08/2023

  • Thông tư 06/2023/TT-NHNN tác động đến thị trường tín dụng ra sao?

    Thông tư 06/2023/TT-NHNN tác động đến thị trường tín dụng ra sao?

    16:00, 11/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
NHNN: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận biện pháp đảm bảo tiền vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO