Bài học từ vụ tàu du lịch Hoàng Phương
Vụ việc tàu du lịch Hoàng Phương 16 lừa dối khách hàng, phục vụ không đúng với chương trình du lịch được chào bán đã gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Vụ việc vỡ lở sau khi nhiều tờ báo trong nước đăng tải lại từ nguồn của một số trang báo điện tử tại Australia.
Chiều 24-5, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã có cuộc gặp thông báo với các cơ quan báo chí về kết quả ban đầu xử lý vụ việc.
Theo đó, một nhóm du khách người Australia tham gia tour du lịch vịnh Hạ Long vào đầu tháng 5 vừa qua, với đầu mối là Văn phòng Du lịch Spring travel Agency (số 21, Ngõ Huyện, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Sau chuyến đi, du khách Lynne Ryan đăng tải bài viết trên trang new.com.au phản ánh về chuyến đi “ác mộng” trên một con tàu “kinh dị”.
Bà Lynne Ryan cho biết: Theo lời giới thiệu của đơn vị lữ hành, chuyến đi du thuyền Hoàng Phương kéo dài 2 ngày có giá 75 USD/người. Mức giá này bao gồm tiền ăn, ở và chèo thuyền kayak trên vịnh.
Nhân viên bán tour quảng cáo, đây là chuyến du lịch biển hạng sang trên một con tàu tuyệt đẹp, khởi hành hôm 2/5 tại đảo Cát Bà (Hải Phòng). Tuy nhiên bà Ryan cho hay thực tế, mọi thứ hoàn toàn ngược lại.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, phản ánh của bà Lynne Ryan là chính xác. Sự việc bắt đầu từ một nhóm du khách Úc mua tour ngủ trên vịnh Hạ Long và sử dụng dịch vụ của tàu Hoàng Phương 16, biển đăng kiểm HP4686.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã phản hồi: Tàu Hoàng Phương HP4686 trước đây có hoạt động trên Vịnh Hạ Long với biển kiểm soát QN-2040. Tuy nhiên ngày 28/8/2017, UBND thành phố Hạ Long có Thông báo số 526/TB-UBND về việc chấm dứt hoạt động trên Vịnh Hạ Long do chuyển vùng hoạt động sang địa bàn thành phố Hải Phòng.
Kể từ tháng 8/2017 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh không cấp phép cho phương tiện mang biển kiểm soát QN 2040 hay HP4686 thăm quan Vịnh Hạ Long. Du khách Lynne Ryan cũng không có tên trong đăng ký du khách ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long.
Vụ việc xảy ra làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của du lịch tham quan vịnh Hạ Long.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết đã đề nghị địa phương xử lý nghiêm, ở mức cao nhất với công ty cung cấp dịch vụ. Ông Tuấn cũng đề nghị thành phố Hải Phòng tạm giữ phương tiện này để làm rõ những sai phạm.
Còn Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đã yêu cầu thu hồi giấy đăng kiểm và giấy phép hoạt động của tàu Hoàng Phương 16 mang số hiệu HP - 4686.
Tiếp đó, ngoài tàu Hoàng Phương, UBND thành phố Hải Phòng cũng đã chỉ đạo rà soát và kiểm định lại chất lượng của toàn bộ tàu lưu trú và tham quan trên thành phố. Tàu nào không đáp ứng các yêu cầu kinh doanh vận tải, bảo vệ môi trường, chất lượng dịch vụ... sẽ bị thu hồi đăng kiểm và giấy phép hoạt động.
Có thể bạn quan tâm
Du khách Úc cảnh báo du lịch Việt
03:38, 25/05/2018
Đình chỉ hoạt động dịch vụ kayak của nhiều đơn vị trên Vịnh Hạ Long
07:35, 05/09/2017
Va chạm sà lan trên Vịnh Hạ Long, tàu du lịch bị chìm
20:52, 24/12/2017
Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2018: Vịnh Hạ Long sẽ “hớp hồn” du khách
12:09, 28/04/2018
Quảng Ninh nghiên cứu xây đường hầm ngầm dưới nước ở cửa ngõ vịnh Hạ Long
16:30, 31/01/2018
Qua vụ việc này, người viết cho rằng, những người trong cuộc cũng như ngành du lịch nước nhà và các địa phương có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp du lịch muốn phát triển bền vững phải lấy chữ “Tín” làm đầu. Lối làm ăn chụp giật chạy theo lợi ích trước mắt đã lỗi thời và tất yếu sẽ dẫn tới thất bại. Trong chuỗi sản phẩm, các đối tác phải bảo đảm chất lượng chung và có sự kiểm soát lẫn nhau.
Thứ hai, việc quản lý khai thác di sản vịnh Hạ Long nói riêng, vùng biển Hạ Lọng – Cát Bà nói chung phải là sự cộng đồng trách nhiệm của Tổng cục Du lịch, chính quyền tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Cần có sự liên kết, chia sẻ thông tin và tương hỗ trong kiểm soát các dịch vụ cũng như bảo vệ môi trường biển.
Thứ ba, vai trò của truyền thông, báo chí và mạng xã hội là hết sức quan trọng. Các tổ chức hiệp hội du lịch cần lập các website, fanpage để thu thập thông tin phản hồi từ phía du khách, nhất là về chất lượng dịch vụ, tệ nạn “chặt chém”… để kịp thời cảnh báo và giúp cơ quan chức năng ngăn chặn.
Thứ tư, công tác quản lý nhà nước cần chủ động, chặt chẽ nhưng không gây khó cho doanh nghiệp. Tránh tình trạng để xảy ra “mất bò mới lo làm chuồng” như trong vụ tàu Hoàng Phương 16 nói trên.